Ứng vốn xây dựng cơ bản, những cục nợ khó đòi

TP - UBND tỉnh Gia Lai vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư nhanh chóng thu hồi nguồn vốn ứng từ các công trình xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh trả lại ngân sách. Tuy nhiên, thời hạn ngày 30/10 đã qua nhưng Kho bạc Nhà nước Gia Lai cho biết, mới chỉ thu được hơn 4,2 tỷ đồng trong số hơn 61,3 tỷ đồng tạm ứng. Có khoản ứng từ năm 2007 đến nay chưa thu hồi được.
Ứng vốn xây dựng cơ bản, những cục nợ khó đòi ảnh 1

Cầu Bung ứng vốn hơn 3 tỷ đồng từ năm 2007 khó thu hồi 

Ngày 15/9/2014, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký Công văn yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thu hồi số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) tại các công trình đã kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn Gia Lai.

Theo lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, việc tạm ứng, thu hồi tạm ứng đối với các dự án đầu tư XDCB sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ tại các chủ đầu tư vẫn chưa đúng theo quy định hiện hành.

Thực tế này dẫn đến số dư tạm ứng vốn ở mức cao, việc thu hồi tạm ứng vốn còn chậm, quá thời hạn quy định. Trong số 25 dự án có số dư tạm ứng hơn 61,3 tỷ đồng, nợ dây dưa đầu bảng là Ban Quản lý dự án (BQLDA) huyện Phú Thiện với 5 dự án chưa quyết toán, trong đó có dự án Kè chống sạt lở sông Ia Sol qua thị trấn Phú Thiện vốn ứng hơn 6 tỷ đồng từ năm 2010.

Đến nay giá trị thi công được bao nhiêu chưa rõ, trong khi đó bên thi công đã bỏ của chạy lấy người, công trình dang dở. Báo chí và cơ quan chức năng nhiều lần lên tiếng song vụ việc chưa có chuyển biến tích cực.

Ban QLDA đầu tư chuyên ngành giao thông của Sở GTVT Gia Lai có 4 dự án ứng vốn chưa thu hồi bao gồm dự án cầu Bung (Krông Pa) thi công từ năm 2007, số tiền tạm ứng hơn 3 tỷ đồng và tỉnh lộ 670 B ứng vốn gần 3 tỷ đồng từ năm 2008. Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Gia Lai ông Nguyễn Trung Tâm cho biết: Cầu Bung đang được thi công thì lũ về làm sụp trụ, gãy cầu. Qua khám nghiệm thấy đơn vị thi công làm ẩu, sai thiết kế, vụ việc đã xử lý hình sự các đối tượng có liên quan.

Thế nhưng tiền tạm ứng cho các bên tham gia thi công đã được kho bạc cho ứng 3.087 triệu đồng đến nay không thể thu hồi được, do tỉnh đã bỏ luôn cầu này làm cầu khác nên không thể nghiệm thu quyết toán. Khi sự cố xảy ra, Sở GTVT Gia Lai buộc phải trưng cầu giám định tốn 499 triệu đồng, giờ không có tiền trả. Tỉnh lộ 670 B khởi công năm 2008, ứng cho nhà thầu là Công ty TNHH Trung Kiên 2.892 triệu đồng, đang thi công giữa chừng thì không giải phóng được mặt bằng cầu qua suối Ia Kram nên dừng lại.

Theo giải trình mới đây của Công ty TNHH Trung Kiên, sau khi ứng tiền, công ty này đã thực hiện thi công trên công trình trị giá 532 triệu đồng, còn lại gần 2,5 tỷ đồng công ty đã đặt hàng, chuyển tiền trả vật tư, vật liệu phục vụ thi công, nên giờ nếu tiếp tục thi công thì công ty làm chứ không có tiền trả!

UBND huyện Ia Grai tuy có 3 công trình nợ tạm ứng song số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ của Công ty Xây dựng thương mại Bình An ứng hơn 10 tỷ đồng thực hiện dự án đường ra biên giới xã Ia Chía, ứng từ các năm 2010-2011, đến nay chắc chắn mất trắng bởi chủ công ty này đã hết đường trả nợ chấp nhận đi tù. Nhiều chủ đầu tư dính đến Công ty Xây dựng thương mại Bình An với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng coi như hết đường trả lại cho ngân sách.

Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch với công trình hạ tầng khu lâm viên Biển Hồ, cho Công ty XD-TM Bình An tạm ứng năm 2009, số dư tạm ứng còn lại 1,152 tỷ đồng; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai với dự án xây dựng khu điều trị nội tổng hợp 100 giường, số dư tạm ứng còn lại 3,536 tỷ đồng; UBND huyện Chư Păh với dự án đường liên xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tạm ứng năm 2010, số dư tạm ứng còn lại 2,160 tỷ đồng (BQL các dự án đầu tư và xây dựng cơ bản huyện Chư Păh); BQL khu kinh tế cửa khẩu với dự án đường trục chính khu Cửa khẩu 19, tạm ứng 2010, số dư tạm ứng còn lại 2,812 tỷ đồng; dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm chủ đầu tư), tạm ứng năm 2010, số dư tạm ứng 180 triệu đồng; đền bù quy hoạch ngã 3 Cầu Sắt - TP Pleiku, tạm ứng năm 2010, số dư tạm ứng 628 triệu đồng do Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư hay dự án quy hoạch Trung tâm thương mại TP Pleiku, tạm ứng 2008, số dư còn lại 154 triệu đồng...

Ông Nguyễn Văn Vỹ - Trưởng phòng Giám sát chi ngân sách – Kho bạc Nhà nước Gia Lai cho biết: Sau khi có công văn của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, lãnh đạo kho bạc đôn đốc các chủ đầu tư nhưng hết thời hạn mới chỉ thu được hơn 4,2 tỷ đồng còn hơn 57 tỷ đồng vẫn treo ở tài khoản tạm ứng. Ông Vỹ cho rằng, trách nhiệm thu hồi do các chủ đầu tư đối với nhà thầu, còn kho bạc khi thấy đúng quy định thì cho ứng và chỉ đôn đốc việc thu hồi.

Giám đốc Sở Tài chính Gia Lai ông Nguyễn Dũng cho biết, Sở Tài chính Gia Lai đã nhiều lần phát văn bản gửi các cơ quan chức năng, song nhiều khoản ứng cụ thể các chủ đầu tư vẫn không có giải pháp thu hồi. Không phải tất cả các khoản tạm ứng đều có nguy cơ mất vốn, song hàng chục tỷ đồng tạm ứng không thể đòi lại được là hiển nhiên. Nhiều Trưởng Ban QLDA đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. 

UBND huyện Ia Grai tuy có 3 công trình nợ tạm ứng song số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ của Công ty Xây dựng thương mại Bình An ứng hơn 10 tỷ đồng thực hiện dự án đường ra biên giới xã Ia Chía, ứng từ các năm 2010-2011

MỚI - NÓNG