Một bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol-M di động của Nga. Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại một hội nghị hôm 22/12, Chủ tịch Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine) - Ruslan Stefanchuk cho biết tính đến năm 1991, “Ukraine là quốc gia có kho hạt nhân lớn thứ 3 thế giới”, ám chỉ kho vũ khí mà nước này được thừa hưởng từ sự sụp đổ của Liên Xô. Nhưng vài năm sau, Kiev “đã tự nguyện từ bỏ số vũ khí này để trở thành một quốc gia phi hạt nhân hoá”.
“Trong khi đó, Nga - quốc gia đảm bảo việc giải trừ quân bị của chúng ta - lại ám chỉ rằng nếu chúng ta tiếp tục phát triển nền dân chủ thì họ thậm chí có thể sẽ phát động một cuộc tấn công hạt nhân chống lại Kiev”, ông Ruslan Stefanchuk nói.
Tuyên bố của ông Stefanchuk được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây và cơ quan tình báo của Kiev lo ngại rằng Mátxcơva đang lên kế hoạch mở một cuộc tấn công toàn diện nhằm vào Ukraine.
Điện Kremlin từng nhiều lần bác bỏ cáo buộc này. Ngược lại, Mátxcơva tố các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - khối quân sự do Mỹ đứng đầu - đưa hàng loạt vũ khí đến sát biên giới Nga và kích động để Kiev có các hành động khiêu khích.
Đầu tháng 12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết “ngày càng có nhiều binh sĩ và vũ khí được đưa đến khu vực gần Donbass với sự hỗ trợ của phương Tây”.
Theo ông Lavrov, việc Ukraine triển khai các bệ phóng tên lửa Javelin do Mỹ sản xuất sẽ là một vấn đề đáng lo ngại, có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện ở miền Đông.
Ông Lavrov cảnh báo rằng nếu các quốc gia này không thể kìm hãm Kiev, thì “Mátxcơva sẽ làm mọi việc cần thiết để đảm bảo an ninh”.
Theo NBC News, cách đây 25 năm, Ukraine là cường quốc hạt nhân lớn thứ 3 thế giới, sở hữu nhiều đầu đạn hơn cả Anh - Pháp - Trung Quốc cộng lại.
Chính phủ Ukraine thừa hưởng kho vũ khí này sau khi Liên Xô tan rã. Trong đó có khoảng 5.000 vũ khí hạt nhân, hơn 170 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và vài chục máy bay ném bom hạt nhân.
Thời điểm đó, Mỹ được cho là vô cùng lo lắng về sự xuất hiện của một cường quốc hạt nhân khác. Vì vậy, Washington đã làm môi giới cho thoả thuận và trả nửa tỷ USD để Ukraine giải trừ kho vũ khí này, chuyển chúng về Mátxcơva vào năm 1994.
Đổi lại, Nga - Mỹ - Anh cam kết sẽ “kiềm chế đe doạ và sử dụng vũ lực đối với Ukraine”, “tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới Ukraine”. Belarus và Kazakhstan cũng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình để đổi lấy những lời hứa tương tự.