Tổng thống Poroshenko đã có ví dụ về những nước có chiến tranh trong thời gian dài. "Ví dụ, Hàn Quốc phải trải qua nhiều thập kỷ trong tình trạng chiến tranh với nước láng giềng miền Bắc và phải thực thi những biện pháp kiên quyết trong thời gian dài." Ông cũng đề cập tới Israel, đất nước đã chìm trong tình trạng chiến tranh hơn 30 năm.
Ông Poroshenko nhấn mạnh: "Thời điểm kết thúc chiến tranh sẽ phụ thuộc vào việc lấy lại Donbass và Crimea. Cần bao nhiêu thời gian và nỗ lực? Thời gian sẽ mách bảo. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thỏa hiệp đường hướng này."
Trước đó, ngày 28/4, ông Poroshenko tuyên bố chiến tranh có thể nổ ra vào bất cứ lúc nào do nguy cơ leo thang xung đột ở Donbass vẫn lớn.
Trong khi đó, hãng thông tấn AFP dẫn nguồn tin từ Cơ quan báo chí Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết, trong cuộc điện đàm của nhóm "Bộ tứ Normandie" tối 30/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí về khả năng triển khai binh sỹ gìn giữ hòa bình tại khu vực Donbass (miền Đông Ukraine).
Thông cáo của cơ quan trên nêu rõ: "Trong nội dung thảo luận về giải pháp hòa bình, Tổng thống Putin đã nhất trí về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Donbass."
Các tổng thống của Ukraine, Pháp, Nga và thủ tướng Đức đã nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc thực thi các thỏa thuận Minsk đồng thời kêu gọi tuân thủ nghiêm túc lệnh ngừng bắn toàn diện ở Donbass.
Tổng thống Ukraine đã lưu ý việc không cho phép di chuyển cái gọi là đoàn xe nhân đạo của Nga qua khu vực biên giới không do Ukraine kiểm soát. Ông kêu gọi tạo điều kiện cho các đoàn xe viện trợ nhân đạo của Ukraine và quốc tế tiếp cận người dân các tỉnh Donetsk và Lugansk do lực lượng dân quân kiểm soát.
Tuy nhiên, trong tuyên bố riêng rẽ đưa ra sau cuộc điện đàm trên, Điện Kremlin đã không đề cập tới lực lượng gìn giữ hòa bình nào, mà chỉ khẳng định các nhà lãnh đạo "đã ghi nhận những tiến triển nhất định trong các vấn đề về cách thức đảm bảo một lệnh ngừng bắn và rút các vũ khí hạng nặng ra khỏi khu vực xung đột".
Trước đó, Điện Elysee cho biết 4 nhà lãnh đạo đã thảo luận về vai trò của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) và việc thành lập các phân nhóm công tác.