Ukraine loay hoay với phương pháp chiến tranh của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những tuần đầu tiên của chiến dịch phản công của Ukraine không diễn ra thuận lợi, dù họ có lực lượng được Mỹ và các đồng minh khác huấn luyện và trang bị vũ khí.
Ukraine loay hoay với phương pháp chiến tranh của Mỹ ảnh 1

Các thành viên của đội súng cối thuộc Lữ đoàn cơ giới số 24 khai hỏa vào một vị trí của Nga ở vùng Donetsk, ngày 23/7. (Ảnh: NYT)

Với vũ khí tiên tiến của Mỹ và mang kỳ vọng tạo nên một cuộc tấn công lớn, nhưng lực lượng Ukraine sa lầy trong các bãi mìn dày đặc của Nga, cộng thêm hỏa lực liên tục từ pháo binh và trực thăng. Nhiều đơn vị bị lạc lối. Một đơn vị bỏ lỡ cuộc tấn công ban đêm đến tận rạng sáng, khiến họ đánh mất lợi thế. Một đơn vị chiến đấu tệ đến mức các chỉ huy phải rút cả đội khỏi chiến trường.

Kết quả ban đầu ở mức khá khiêm tốn. Lực lượng của Ukraine giành lại một vài ngôi làng, vẫn chưa tạo nên thành tựu to lớn như ở các thành phố quan trọng chiến lược như Kherson và Kharkiv vào mùa thu năm ngoái. Khoá huấn luyện phức tạp của phương Tây không giúp ích nhiều khi binh lính Ukraine đối mặt với hàng loạt đợt pháo kích của Nga.

Quyết định của Ukraine về thay đổi chiến thuật là tín hiệu rõ ràng cho thấy hy vọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về những bước tiến lớn mà đội quân của Ukraine có thể đạt được không thể trở thành hiện thực, ít nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Tình trạng này đặt ra câu hỏi về chất lượng đào tạo mà người Ukraine nhận được từ phương Tây, và liệu rằng những vũ khí trị giá hàng chục tỷ đô la, bao gồm gần 44 tỷ USD từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, có thể đưa quân đội Ukraine thành lực lượng chiến đấu đạt tiêu chuẩn của NATO hay không.

“Bản thân cuộc phản công không thất bại, nó sẽ kéo dài trong vài tháng cho đến mùa thu”, Michael Kofman, một thành viên cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, đánh giá. Kofman gần đây có chuyến thăm tiền tuyến Ukraine.

“Vấn đề nằm ở giả định rằng với một vài tháng huấn luyện, các đơn vị Ukraine có thể chuyển sang chiến đấu theo cách của quân đội Mỹ, dẫn đầu chiến dịch phản công để phá hàng phòng ngự được chuẩn bị kỹ lưỡng của Nga, thay vì giúp người Ukraine chiến đấu tốt hơn theo cách của họ”, Kofman nói.

Những sai lầm

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày càng thể hiện rằng chiến lược của ông là sẵn sàng chờ đợi, để có thể giành chiến thắng bằng cách làm cho Ukraine và các đồng minh kiệt sức.

Giới chức Mỹ lo ngại việc Ukraine quay trở lại chiến thuật cũ sẽ tốn nhiều đạn dược, đúng như tính toán của Nga và đẩy Ukraine vào thế bất lợi trong cuộc chiến tranh tiêu hao.

Các quan chức chính quyền Biden lâu nay hy vọng 9 lữ đoàn do phương Tây đào tạo, với khoảng 36.000 quân, sẽ chứng tỏ phương pháp chiến tranh của Mỹ vượt trội hơn so với của Nga. Trong khi người Nga có cơ cấu chỉ huy tập trung bị cho là cứng nhắc, người Mỹ đã dạy Ukraine uỷ quyền cho các sĩ quan cấp cao đưa ra quyết định nhanh chóng trên chiến trường và triển khai chiến thuật vũ trang kết hợp, và tấn công đồng bộ bằng các lực lượng bộ binh, thiết giáp và pháo binh.

Các quan chức phương Tây ca ngợi cách tiếp cận đó hiệu quả hơn so với chiến lược tốn kém nhằm tiêu hao lực lượng Nga, gây nguy cơ làm cạn kiệt kho vũ khí của Ukraine.

Phần lớn quá trình huấn luyện của phương Tây tập trung dạy quân đội Ukraine cách tấn công thay vì phòng thủ.

Trong nhiều năm, quân đội Ukraine áp dụng chiến thuật phòng thủ khi lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn triển khai nhiều cuộc tấn công ở miền đông.

Khi Mátxcơva triển khai chiến dịch tấn công toàn diện đầu năm ngoái, quân đội Ukraine cũng áp dụng chiến thuật phòng thủ, khiến Nga không giành được chiến thắng nhanh chóng như dự đoán.

Colin H. Kahl, người gần đây đã thôi vị trí quan chức chính sách hàng đầu của Lầu Năm Góc, cho rằng nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine “đòi hỏi họ phải chiến đấu theo những cách khác nhau”.

Các quan chức và nhà phân tích Mỹ gần đây đến thăm tiền tuyến và nói chuyện với binh lính Ukraine cho biết, những lữ đoàn do phương Tây đào tạo chỉ được huấn luyện vũ khí kết hợp trong 4 - 6 tuần, và các đơn vị đã mắc một số sai lầm khi bắt đầu chiến dịch vào đầu tháng 6, khiến họ bị thụt lùi.

Một số đơn vị không đi theo những con đường đã được dọn sạch và đụng phải mìn. Khi một đơn vị trì hoãn cuộc tấn công vào ban đêm, trận pháo kích kèm theo để hỗ trợ họ tiến lên vẫn diễn ra theo kế hoạch, khiến hiệu quả không như mong đợi.

Giới chức Mỹ và châu Âu cho biết, trong hai tuần đầu tiên của chiến dịch phản công, có tới 20% vũ khí Ukraine đưa ra chiến trường bị hư hại hoặc phá hủy. Con số thiệt hại bao gồm những cỗ máy chiến đấu nổi tiếng của phương Tây - những chiếc xe tăng và xe bọc thép chở quân - mà người Ukraine kỳ vọng có thể giúp đánh trả quân Nga.

Theo các chuyên gia quân sự, việc lần đầu tiên áp dụng chiến thuật mới học luôn rất khó khăn, nhất là khi Nga đã chuẩn bị kỹ hàng phòng thủ.

Một số chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine có thể quay trở lại phương pháp chiến tranh của Mỹ một khi họ chọc thủng được hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga. Nhưng tấn công khó hơn phòng thủ, như Nga đã thể hiện khi Nga tiến vào Kiev đầu năm ngoái.

Kiev gần đây có vẻ đã chuyển sang giai đoạn 2 của chiến dịch phản công, bằng cách điều thêm người và vũ khí, dựa vào những đơn vị nhỏ để tạo ra đủ sức mạnh chiến đấu và động lực để cho phép quân đội Ukraine vượt qua hàng phòng ngự của Nga.

Tuy nhiên, hai nhà phân tích Gian Luca Capovin và Alexander Stronell, công tác tại hãng phân tích và tình báo an ninh Janes của Anh, cho rằng chiến lược tấn công sử dụng các đơn vị nhỏ “rất có thể dẫn đến thương vong hàng loạt, gây tổn thất lớn về thiết bị mà mang lại ít kết quả” cho Ukraine.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng việc Ukraine gia tăng lực lượng diễn ra vào thời điểm Ukraine đã vượt qua một số tuyến phòng thủ của Nga có thể hợp lý. Một quan chức phương Tây giấu tên cho biết, Mỹ đánh giá rằng lực lượng Nga đang bị kéo căng và vẫn gặp một số vấn đề về hậu cần, cung ứng, nhân sự và vũ khí.

Theo New York Times
MỚI - NÓNG