Ukraine giục Mỹ cung cấp bom chùm để tấn công thiết giáp Nga

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ukraine đã mở rộng yêu cầu với Mỹ, đề nghị cung cấp bom chùm để tích hợp vào máy bay không người lái nhằm tấn công xe thiết giáp của lực lượng Nga, hai nghị sĩ Mỹ cho biết.
Ukraine giục Mỹ cung cấp bom chùm để tấn công thiết giáp Nga ảnh 1

Hải quân Mỹ vận chuyển bom chùm trên một tàu sân bay

Kiev kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thúc giục Nhà Trắng chấp thuận gửi loại vũ khí này, nhưng không có gì chắc chắn rằng chính quyền của Tổng thống Biden sẽ đồng ý. Bom chùm là loại vũ khí bị cấm ở hơn 120 quốc gia, thường bắn ra hàng loạt bom nhỏ để gây sát thương trên khu vực rộng, đe dọa cả dân thường.

Ukraine muốn có MK-20, loại bom chùm bắn từ trên không, để tích hợp cho máy bay không người lái, hai hạ nghị sĩ Jason Crow và Adam Smith thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết. Ukraine cũng đã yêu cầu cung cấp loại đạn chùm 155mm dành cho pháo, hai nghị sĩ cho biết thêm.

Giới chức Ukraine đưa ra yêu cầu này tại Hội nghị an ninh Munich diễn ra tháng trước.

Ukraine hy vọng bom chùm có thể giúp họ giành được lợi thế trên chiến trường khốc liệt ở miền Đông.

Chính phủ Ukraine cũng đã nói công khai rằng họ muốn Mỹ cung cấp đạn chùm. Nhưng yêu cầu cung cấp MK-20, còn gọi là CBU-100, chưa được tiết lộ trước đó.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, dù Ukraine và Nhà Trắng “trao đổi sát sao” về viện trợ quân sự, nhưng bà “không có chức năng thông báo”.

MK-20 là loại bom được thả từ máy bay, mỗi quả giải phóng hơn 240 bom nhỏ để tấn công mục tiêu không phân biệt.

Quân đội Ukraine tin rằng cách tấn công này sẽ tàn phá xe bọc thép tốt hơn vũ khí mà họ đang thả từ máy bay không người lái hiện nay.

Một hiệp định năm 2008 về cấm sản xuất, sử dụng và dự trữ bom chùm đã được 123 quốc gia thông qua, trong đó có hầu hết các nước thuộc NATO. Mỹ, Nga và Ukraine từ chối tham gia.

Gửi cho Ukraine “vũ khí cấm sẽ làm yếu tính đạo đức, từ đó phía Nga có thể tận dụng”, ông Tom Malinowski, cựu quan chức nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, cảnh báo.

Tuy nhiên, đã có một số ý kiến ủng hộ trong Quốc hội Mỹ. Một trợ lý trong Quốc hội Mỹ cho biết, hầu hết phe Cộng hoà “khá thoải mái” với đề nghị của Ukraine.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG