Theo Reuters, chứng khoán châu Á sụt giảm, đồng USD tăng lên mức cao hơn 5 tháng vào ngày 16/4 khi doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 tăng mạnh. Điều này cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không vội vàng thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất.
Căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông kiểm soát tâm lý rủi ro, nâng giá vàng và dầu, giá chứng khoán biến động mạnh.
Tại Trung Quốc, dữ liệu GDP tăng là dấu hiệu đáng hoan nghênh nhưng một số chỉ số như đầu tư bất động sản, doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp cho thấy nhu cầu yếu, gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư.
Tình trạng u ám của chứng khoán đang lan rộng. |
Ông Yeap Jun Rong - chuyên gia kinh tế tại IG, Singapore - cho biết thị trường còn nhiều dè dặt, tồn tại nhiều điểm yếu.
“Thị trường biến động do không ai chắc chắn về việc liệu đà tăng trưởng có thể tiếp tục hay không, vì quá trình phục hồi vẫn chưa đồng đều”, ông Yeap Jun Rong nói.
Chứng khoán Trung Quốc đang giảm, với chỉ số blue-chip giảm 1%, trong khi chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 2%.
Sàn chứng khoán khắp châu Á giảm mạnh, với chỉ số rộng nhất của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản (.MIAPJ0000PUS) tiếp tục giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất trong hai tháng là 518,03.
Tình trạng u ám tiếp tục diễn ra ở châu Âu, với hợp đồng tương lai Eurostoxx 50 giảm 1,30%, hợp đồng tương lai DAX của Đức giảm 1,15% và hợp đồng tương lai FTSE giảm 1,28%.
Chứng khoán Mỹ đóng cửa ngày 15/4 chứng kiến mức giảm mạnh, khi lãi suất trái phiếu Kho bạc tăng vọt đè nặng tâm lý giới đầu tư. Theo đó, hợp đồng tương lai E-mini của S&P 500 giảm 0,14%.
Chris Weston, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Pepperstone, cho biết: “Thị trường đã trở nên sống động nhưng đầy rủi ro cần phòng tránh".