Tỷ phú nhặt lá tre

Chị Triệu giới thiệu cách thức hấp sấy lá tre.
Chị Triệu giới thiệu cách thức hấp sấy lá tre.
Có rất nhiều cách để làm giàu, thế nhưng nhặt lá tre để trở thành tỷ phú thì thật xưa nay hiếm. 

Chị Đặng Thị Triệu (xã An Phú, Mỹ Đức, Hà Nội) được người ta biết đến như người phụ nữ đặc biệt với cách làm giàu chẳng giống ai này. Đã có thời gian chị bị người đời rỉa rói là kẻ tâm thần "nhặt lá". Họ khinh chị, dè bỉu chị bao nhiêu thì khi chị đạt được thành công họ lại thán phục chị bấy nhiêu.

Thôn Đồng Chiêm, xã An Phú được người ta biết đến là một xã nghèo, người dân quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cũng chẳng đủ ăn. Ruộng đồng thì ít, đâu cũng chỉ có đá xanh cằn cỗi.

 Đặc biệt ở đây chẳng có lấy một nghề phụ, có chăng chăn nuôi dăm ba con gà con lợn nhưng rồi lại lo ông trời phụ công. Cây lúa thì bấp bênh, mùa được mùa mất; trừ chi phí cây giống má, phân đạm thì bán đến hạt thóc cuối cùng có khi còn lỗ.

Chúng tôi đến nhà chị Đặng Thị Triệu vào những ngày gia đình bận rộn nhất. Ngôi nhà khang trang, 3 tầng bề thế được liệt vào hàng nhất nhì ở đây nhộn nhịp kẻ ra người vào. Chị Triệu nổi tiếng là người hay lam hay làm, lại rất cởi mở. Chị Triệu niềm nở: "Vào uống nước đi các em… đến học cách làm lá tre à? Đơn giản lắm!".

Trước đây gia đình chị Triệu được chia cả mẫu ruộng. Thế nhưng nghề nông chưa khi nào khiến gia đình chị đủ đầy. Không cam chịu cuộc sống quanh quẩn với ruộng đồng, chị Triệu ngày đêm trăn trở suy nghĩ cách thoát nghèo cho cả gia đình. Nhiều lúc mọi người thấy chị thơ thẩn, đờ đẫn như kẻ mất hồn, người nhà đâm lo vì sợ chị đổ bệnh. Điều mọi người lo lắng có lẽ đã đúng.

Tỷ phú nhặt lá tre ảnh 1

Chị Triệu kể lại tháng năm gian khó tìm cách vươn lên của mình.

Đầu năm 1992, người ta thấy chị lang thang khắp nơi từ các con đường làng, khi lại lẩn thẩn trong rừng nhặt lá tre. Rồi chị sang tận Kim Bôi nhặt đầy những bao tải lá tre mang về nhà. Ngôi nhà cấp bốn xập xệ chẳng mấy chốc lá tre được chất đầy. Lá tre nhiều đến mức 7 người trong nhà không còn chỗ ngả lưng. Những người yêu thương chị nhất, tin chị nhất thì cũng phải thốt lên rằng "đúng là đã đổ bệnh tay nhặt lá, chân đá ống bơ". Vậy là người ta gọi chị là "Triệu điên".

Thế rồi cả làng, cả xã, cả huyện ai nấy đều bàng hoàng khi biết chị Triệu nhặt lá tre về làm giàu. "Ban đầu tôi thấy lá tre rất to đẹp, lại cũng nghe loáng thoáng người ta bảo lá tre bán được. Không những vậy còn xuất khẩu được. Vì thế tôi đi khắp nơi để tìm những loại lá to đẹp, có chất lượng tốt. Sau đó đánh dấu các vùng có lá đẹp sau này cần sẽ đến đó thu mua".

Tỷ phú nhặt lá tre ảnh 2

Lá tre thành phẩm tại cơ sở sản xuất của chị Đặng Thị Triệu.

Chị Triệu bất ngờ bắt mối được với một người ở Phú Thọ, họ nói có thể thu mua lá tre với số lượng lớn giá khoảng 14 nghìn đồng/kg lá tre khô. "Thực sự mới chỉ thấy họ nói vậy chứ chả biết họ mua lá tre khô để làm gì, sau đó sẽ bán đi đâu. Ban đầu cũng lo lắng lắm, không nghĩ đó là mối làm ăn lâu dài được. Tôi có gặng hỏi thì họ trả lời mập mờ. Nếu chất lượng tốt sẽ làm ăn lâu dài" - chị Triệu kể lại.

Sau vài chuyến bán cho khách tại Phú Thọ, chị Triệu bắt đầu có thêm thu nhập. Nhưng với bản tính tìm tòi và ham làm giàu, chị chẳng thể đứng yên, chẳng thể bị động. Chị quyết định lặn lội, dò hỏi, tìm cho bằng được lá tre của mình được bán đi đâu và được làm gì. May mắn chị lại bắt mối được với một công ty chuyên xuất khẩu lá tre sang Đài Loan để gói bánh cổ truyền.

"Lá họ nhập phải là loại lá to, như quê chị gọi là lá bương. Đúng ra nó là lá bát độ, gói bánh với loại lá này rất thơm, đảm bảo an toàn và thẩm mỹ. Loại lá đó quê chị rất nhiều, đặc biệt là những huyện lân cận của tỉnh Hòa Bình. Những ngày chị lang thang nhặt lá, chị nắm rất rõ ở đâu có loại lá này và chất lượng ở đâu tốt" - chị Triệu chia sẻ.

Biết được cơ hội làm giàu đã đến, chị Triệu quyết định mở xưởng tại nhà, thuê hơn 20 công nhân địa phương làm việc. Công việc của công nhân đơn giản là đếm lá, kẹp lá vào thanh nứa chuyển vào lò sấy khô rồi phân loại đóng bao. So với ngành nghề khác tại địa phương, mức lương 3 đến 4 triệu đồng/tháng là tương đối cao.

Không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân, người dân quanh vùng cũng giàu lên trông thấy. Bà con ngày ngày lên rừng hái lá tre bán cho cơ sở của chị Triệu ngày cũng kiếm tiền trăm nghìn. Giờ đây ai nấy đều trầm trồ thán phục chị "Triệu nhặt lá" ngày nào.

 Chị trở thành tỷ phú nức tiếng khắp vùng. "Có gì mà giỏi đâu, chẳng qua tôi muốn thoát nghèo thôi. Chứ trước đây tôi mới học hết lớp 4 bổ túc, đến bây giờ chữ ký của mình còn chưa rành nữa cơ mà" - chị Triệu cười khi được khen.

Tỷ phú nhặt lá tre ảnh 3

Giấy khen của tổ chức Công tác Tài chính vi mô Việt Nam tặng chị Đặng Thị Triệu năm 2011.

Hiện chị Triệu mở rộng xưởng chế biến lá tre lên hàng trăm mét vuông, mỗi tháng hàng của chị xuất sang Đài Loan tới 30 tấn. "Đó là những tháng cao điểm, bên đó họ không hạn chế số lượng. Miễn sao hàng của mình đẹp, không bị rách và đặc biệt phải có mùi hương đặc trưng". Các doanh nghiệp bên Đài Loan rất ưa chuộng lá tre của Việt Nam. "Họ đánh giá rất cao về chất lượng và mùi hương" - Chị Triệu nói.

Giá thu mua lá tre khô là 30 nghìn đồng/kg; lá tươi là 7 nghìn đồng/kg. Lá được chia làm 2 loại, loại A dài 45cm, ngang 10cm; loại B dài 40cm, ngang 8cm. Khi thành phẩm các doanh nghiệp yêu cầu lá phải lành lặn, dù rách 1 chút nhỏ cũng bị loại. Đặc biệt trong quá trình sấy không được làm mất mùi lá, vẫn giữ nguyên được mùi hương tự nhiên. "Năm 2010 chính tôi cũng phải bỏ tiền túi thuê chuyên gia nước ngoài về tập huấn cho bà con cách hái lá tre đảm bảo, cách hấp sấy, đóng hàng. Chính vì thế người dân kiếm lá tre có chất lượng đảm bảo hơn rất nhiều. Từ đó thu nhập cũng cao hơn".

Để đảm bảo tiến độ hàng xuất cho khách, chị Triệu cho xây dựng lò sấy công suất lớn, chỉ trong 6 tiếng có thể sấy được 2 tạ lá tre. "Thực sự làm nghề gì cũng có rủi ro. Có lần trong khi sấy lá cả nhà tôi bị cháy rụi. Bao nhiêu nhà xưởng, hàng hóa bay theo khói hết. Cả nhà mải chữa cháy không nhớ trong nhà có đứa cháu đang ngủ. May mắn cháu nó không bị làm sao cả. Làm giàu quả là không khó nhưng cũng rất có thể sẽ mất tất cả" - chị Triệu nhớ lại.

Không chỉ có ý tưởng làm giàu, chị Triệu còn có mơ ước quảng bá hình ảnh lá tre tới các nước trên thế giới. Chính vì thế, lá tre của cơ sở chị Triệu chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu. Các công nhân trong xưởng phải học thành thục cách sấy lá tre. Khi lá tươi được thu mua sau đó phải được phân loại cụ thể từng lá. Cứ 5 lá được kẹp vào 2 thanh nứa treo lên lò. Đó là phương pháp tốt nhất để giữ được hương vị đặc biệt của lá tre Việt Nam.

Hỏi về thu nhập của cơ sở, chị Triệu tỏ ra e dè: "Bây giờ thời buổi kinh tế khó khăn lắm, cũng có lãi nhưng không được tốt như ngày trước. Trước đây mỗi năm cũng thu lãi được 2 - 3 tỷ đồng. Giờ đây điều tôi mong muốn nhất là mặt hàng sẽ ổn định, từ đó tạo được công ăn việc làm cho bà con quanh vùng. Tôi cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những ai có ý định mở xưởng. Nhiều người giàu tức là đất nước mình sẽ giàu mạnh lên".

Năm 2011, với những nỗ lực không ngừng của bản thân, chị Đặng Thị Triệu đã vinh dự được nhận danh hiệu Doanh nhân vi mô tiêu biểu của Việt Nam do Tổ chức Tài chính vi mô Việt Nam trao tặng.

Theo Theo Cảnh sát toàn cầu
MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.