Tỷ phú khuyết tật

Trần Kim Việt (thứ hai từ trái sang) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng tại Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2016.
Trần Kim Việt (thứ hai từ trái sang) vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng tại Lễ trao giải thưởng Lương Định Của năm 2016.
TP - Dõi theo những bước đi khập khiễng do dị tật bẩm sinh của Trần Kim Việt và Võ Văn Ngân khi nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016 do T.Ư Đoàn trao tặng, nhiều người không khỏi khâm phục trước nghị lực vượt lên số phận, làm giàu trên quê hương nghèo khó, trở thành triệu phú, tỷ phú khi còn rất trẻ.

Hai lần nhận Bằng khen của Thủ tướng

Trần Kim Việt nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016 của T.Ư Đoàn và vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ ở tuổi 26 với thành tích sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, đóng góp xây dựng nông thôn mới. Kim Việt là giám đốc Cty TNHH Vườn ươm Việt, chủ vườn ươm cây gió bầu, chuyên cung cấp giống trong và ngoài nước, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN), nhân dân địa phương.

Trước khi thành danh tỷ phú vườn ươm, Trần Kim Việt từng làm nhiều người ấn tượng khi 3 lần xác lập kỷ lục Việt Nam “trồng cây chuối” đi bằng hai tay từ tầng ba xuống tầng một. Khâm phục hơn khi Việt có thành tích học giỏi. Việt sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ mắc bệnh tim, bố bị nhiễm chất độc da cam, lại đông anh em. Từ thuở lọt lòng, Việt đã mang đôi chân yếu ớt, chân trái bị teo cơ, chân phải phát triển không bình thường khiến việc đi lại khó khăn. Việt đến trường chậm hơn so với những người bạn cùng trang lứa. Để có tiền đi học, phụ giúp gia đình, ngay từ lớp 8, Kim Việt đã làm thêm, từ buôn kem, sửa xe đạp gần trường học, đến kinh doanh máy tính casio.

Những nhọc nhằn của số phận càng thôi thúc Việt vươn lên. Suốt 12 năm học phổ thông, cậu đạt các danh hiệu học sinh xuất sắc, học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Thi đỗ ĐH Vinh, Việt học cùng lúc hai ngành Nông lâm ngư và Công nghệ thông tin. Vào đại học, Việt vừa học vừa làm gia sư, sửa chữa máy tính, bán sách cho các nhà sách ở TP Vinh (Nghệ An). Suốt 4 năm học tập, Việt đều đạt thành tích cao, nhiều năm liền giành học bổng sinh viên khá, giỏi và nhận được nhiều khen thưởng. Tiêu biểu, học bổng sinh viên vượt khó Watanabe- Kanda của Nhật Bản; là một trong hai sinh viên ĐH Vinh được nhận Bằng khen của Thủ tướng.

“Bố mẹ nghèo chẳng có vốn cho tôi khởi nghiệp. Năm 2009, tôi đi xin hạt trầm hương về tự đóng bầu thử nghiệm. Lứa đầu tiên bán được một vạn cây thu về hơn 30 triệu đồng. Tiếp tục quay vòng vốn tái sản xuất, tôi mở rộng diện tích ươm trồng. Năm 2013, sản xuất được 40 vạn cây trầm hương xuất ra thị trường, chủ yếu sang Trung Quốc. Năm 2014, tôi thành lập Cty TNHH Vườn ươm Việt cung cấp giống cho các tỉnh thành trong nước và ngoài nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc”, Việt kể.

Cty của Việt còn lập website giới thiệu sản phẩm và tư vấn kỹ thuật từ khi trồng đến lúc ra hoa, quả; có chính sách bảo hành, chia sẻ rủi ro khi cây trồng bị chết. Việt mở thêm quán cà phê tin tức 5.000 đồng làm nơi chia sẻ thông tin kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc cây trồng vật nuôi, các mô hình kinh tế hiệu quả. Hiện Việt có 3 cơ sở với quy mô 2ha, đem lại tổng doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động, trong đó có ba người khuyết tật, một người neo đơn. Cty của Kim Việt còn đồng hành với địa phương hỗ trợ xây dựng các mô hình vườn mẫu, mô hình kinh tế hiệu quả, các tuyến đường có cây xanh; thử nghiệm và tư vấn cho địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở vùng quê nghèo Hương Khê (Hà Tĩnh).

Tỷ phú khuyết tật ảnh 1

Võ Văn Ngân lần đầu tiên ra Hà Nội khi nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2016. Ảnh: Xuân Tùng.

Triệu phú gà rừng lai, ếch miền Tây

Võ Văn Ngân (SN 1987) ở huyện Đức Hòa, Long An, là chủ sở hữu hai trang trại nuôi gà rừng lai và ếch có quy mô 2ha. Trong đó có gần 4 nghìn con gà, hơn 5 nghìn ếch bố mẹ và gần 500 nghìn ếch giống. Các mô hình mỗi năm thu lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Thăm cơ ngơi của Ngân, nhiều người không khỏi khâm phục khi xuất phát điểm khởi nghiệp chỉ với cặp gà rừng lai xin được trong lần đi chơi ở Campuchia năm 2007. Sau hai năm, Ngân đã nhân giống thành công và có đàn gà rừng lai với số lượng vài chục con. Tiếp đó, Ngân mở rộng quy mô chăn nuôi gà rừng và bước đầu có lợi nhuận. “Ngày đầu mang cặp gà về nuôi để nhân giống phát triển đàn, không mấy ai tin có thể nuôi giống gà rừng này ở miền đồng bằng sông nước như Long An. Nhưng tôi vẫn tin sẽ làm được và đã thành công”, Ngân nói.

Trang trại ếch của Ngân cũng bắt đầu từ 3 cặp ếch bố mẹ được mua năm 2007. Sau một năm nuôi, số lượng ếch tăng lên 1.300 con giống. Ngân luôn tìm hiểu kỹ thuật nuôi ếch để nhân rộng mô hình, tăng số lượng. Vào mùa sinh sản của ếch (tháng 3 đến 11 âm lịch), trung bình mỗi tháng, anh có 100.000 con ếch giống.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Ngân chủ động chào hàng với các quán ăn, nhà hàng; đăng tin bán gà rừng lai và ếch giống trên chợ nông sản online… và sự giúp sức kết nối của huyện Đoàn. Khách hàng của Ngân không chỉ ở TPHCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ mà ở cả Đà Nẵng, các tỉnh thành miền Bắc. Thành Đoàn Đà Nẵng đã đặt hàng ếch giống và giới thiệu mô hình chăn nuôi của anh cho các thanh niên khác khởi nghiệp. Bên cạnh làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều thanh niên địa phương, Ngân còn hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho các hộ khác; đồng thời nhận làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, anh đã nhân rộng mô hình nuôi ếch giống cho 10 hộ và gà rừng lai cho 20 hộ khác.

“Em sinh ra trong gia đình làm nông nghiệp, có tới 7 anh chị em. Bị khuyết tật từ nhỏ, không muốn là gánh nặng cho gia đình nên em đã cố gắng học tập, học một cái nghề để mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ TPHCM, em quyết định về quê lập nghiệp. Lúc đầu em rất bế tắc vì vốn không có trong khi ý tưởng thì nhiều. Chỉ đến khi nhân giống được đàn gà, đàn ếch, em mới thực sự thoát được cái vòng luẩn quẩn”, Ngân nhớ lại.

Ngân chia sẻ dự định sắp tới sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi lươn, loại con phù hợp với điều kiện vùng sông nước. Ngân mong muốn được vay nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô trang trại, tạo thêm nhiều việc làm cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Với quan điểm “phát triển nông nghiệp bền vững thay vì chạy đua lợi nhuận, thời gian”, Trần Kim Việt cho biết hướng đi của Cty trong thời gian tới là xây dựng được chu kỳ khép kín từ cung cấp cây giống, phân bón, tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

MỚI - NÓNG