Tỷ phú duy nhất của Nepal làm giàu từ mỳ gói

Người giàu nhất Nepal, ông Binod Chaudhary hiện sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD. Ảnh: WSJ
Người giàu nhất Nepal, ông Binod Chaudhary hiện sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD. Ảnh: WSJ
Ở một đất nước có thu nhập bình quân đầu người hơn 700 USD, mỳ gói là thứ giúp doanh nhân Chaudhary có được tài sản trên một tỷ USD.

Với 30 triệu dân, Nepal là một trong những nước nghèo nhất thế giới với GDP bình quân đầu người năm 2013 ở mức 713 USD. Tuy nhiên cũng ở đất nước này,  một doanh nhân Nepal đã lần đầu tiên ghi tên mình vào danh sách tỷ phú của Forbes. Tỷ phú duy nhất của Nepal là ông Binod Chaudhary, hiện sở hữu khối tài sản trị giá 1,32 tỷ USD.

Là người gốc Ấn Độ, Chaudhary có ông nội là một thương nhân di cư đến Nepal từ thế kỷ 19. Ông có cửa hàng nhỏ chuyên cung cấp vải cho những người thợ may. Đến đời cha ông, cửa hàng được nâng cấp thành Arun Emporium - siêu thị đầu tiên của Nepal. Là con cả trong gia đình, Chaudhary gia nhập công việc kinh doanh từ năm 18 tuổi. Truyền thống gia đình đã mang lại cho ông khả năng kinh doanh và ý chí theo đuổi tham vọng.

Đến những năm 1980, khi nhà máy sản xuất bánh quy của gia đình dư thừa nhiều bột mỳ, Chaudhary suy nghĩ sẽ phải làm gì với số bột này để tránh lãng phí. "Tôi nhìn quanh xem người đân Nepal đang ăn gì, thích gì", ông Binod Chaudhary kể lại. Ông nhận thấy nhiều người hay mang về mỳ gói sau khi đi du lịch từ Thái Lan. Đó là loại thực phẩm có thể ăn sống hoặc chín sau khi pha với nước sôi, được đựng trong những chiếc hộp và được nhiều người ưa thích.

Vì ở Nepal chưa có ai làm ra sản phẩm này, ông quyết định mình sẽ là người đầu tiên. Sản phẩm của ông đã tạo ra một cơn sốt sau đó tại Nepal. Nhờ khoảng 2 tỷ gói mỳ bán ra mỗi năm tại Nepal và nhiều nước khác trên thế giới, công ty có được khoản doanh thu 800 triệu USD. Ngày nay, mỳ gói mang thương hiệu Wai Wai do công ty ông sản xuất chiếm 95% thị phần tại Nepal và 20% tại Ấn Độ.

Mỳ gói đã mang lại sự giàu có cho Chaudhary. Từ bệ phóng này, ông tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, thực phẩm, bất động sản, khách sạn, bán lẻ, năng lượng... Mặc dù vậy, mỳ gói vẫn luôn là sản phẩm ông yêu thích. Thậm chí Chaudhary còn tham vọng mỳ Nepal sẽ có thể cạnh tranh với những đại gia như Maggi của Nestle hay thương hiệu Top Ramen của Nhật Bản. Ngoài một nhà máy ở Nepal, 5 nhà máy ở Ấn Độ và liên doanh ở Thái Lan, sắp tới ông dự định sẽ mở thêm nhà máy mới ở Ảrập Xêút hoặc Qatar để nhắm tới thị trường châu Phi và Trung Á.

Nepal là đất nước có cơ sở hạ tầng yếu kém khiến việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Các nhà máy thường xuyên chịu cảnh mất điện nhiều giờ đồng hồ mỗi ngày. Chế độ chính trị cũng không ổn định với 22 đời lãnh đạo trong chục năm qua. Do đó, Chaudhary quyết định gửi hai trong số ba người con trai của mình đến Dubai và Singapore để thành lập các công ty và điều hành công việc kinh doanh gia đình trong mảng bất động sản, ngân hàng, khách sạn. Còn bản thân ông vẫn ở lại Nepal cùng vợ. Sở thích của ông là đi leo núi trên dãy Himalaya cùng vợ hoặc thường xuyên đi đến thăm trang trại của gia đình ở Philippines.

Khi đất nước Nepal gặp thảm họa động đất vào cuối tháng tư vừa qua, vị tỷ phú cho biết ông sẽ bỏ tiền xây dựng 1.000 nhà tạm, 100 trường học và hợp tác với các tổ chức để xây thêm 9.000 ngôi nhà khác cho các nạn nhân. Để giải quyết thiếu thốn lương thực trước mắt, ông cũng quyên góp hàng trăm nghìn gói mỳ để chống đói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.