“Găm” USD
Tỷ giá VND/USD trong khoảng 1 tháng trở lại đây đã tăng mạnh, có lúc lên đến 21.800 VND/USD tại thị trường tự do và hiện vẫn neo ở mức sát trần cho phép trên thị trường chính thức. Tỷ giá tại Vietcombank cả tuần nay đã đứng ở mức mua vào - bán ra 21.570 - 21.630 đồng/USD. Dù Ngân hàng Nhà nước đã (NHNN) lý giải sự biến động tỷ giá trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý, song thị trường dường như vẫn chờ đợi và “găm” giữ đón chờ một quyết định điều chỉnh tỷ giá từ phía NHNN.
Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại thừa nhận, tâm lý e ngại tỷ giá “có biến” là lý do khiến nhiều doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ chưa muốn bán ra. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp trót vay ngoại tệ lại muốn mua vào để cân đối trạng thái. “Tuy nhiên, tôi khẳng định là cung - cầu ngoại tệ vẫn rất ổn định”- vị này nói. Theo tính toán, việc điều chỉnh tỷ giá 2% mỗi năm sẽ khiến mặt bằng lãi suất tăng thêm khoảng 0,6 - 0,8%. Còn nếu mức điều chỉnh tỷ giá là 3%/năm thì lãi suất sẽ bị đội lên thêm khoảng 1- 1,2%/năm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lưu ý những biến động tỷ giá trên thị trường tự do và liên ngân hàng những ngày này đang xuất phát từ tâm lý đầu cơ ngoại tệ. Đối với giới đầu cơ, găm giữ mà chắc chắn có lời thì họ càng giữ chặt. Theo ông Hiếu, bản thân NHNN dường như đang trông chờ phép lạ nào đó xảy ra. “NHNN đang muốn bảo vệ uy tín của mình sẽ giữ tỷ giá, chỉ điều chỉnh ở mức tối đa 2% năm 2015 như cam kết. Họ muốn chủ trương nhất quán, tuy nhiên, những biến chuyển trên thế giới diễn ra rất nhanh” - ông Hiếu khẳng định. Theo ông, tuần tới của tháng 4 hết sức quan trọng, NHNN phải bám sát, quan sát thị trường và tính toán các yếu tố cho đầy đủ. Nếu USD lên giá trên thế giới và quá bất lợi cho xuất khẩu thì cũng phải tính đến việc điều chỉnh. “Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, tôi ủng hộ NHNN chưa nên điều chỉnh tỷ giá”, ông Hiếu nói.
Có nên điều chỉnh để hỗ trợ xuất khẩu?
Bà Huỳnh Thị Cẩm Châu, Phó Tổng giám đốc Công ty chế biến dừa Lương Quới (thành phố Bến Tre) cho biết, hiện công ty vay tín chấp tại ngân hàng DongABank 50 tỷ đồng; vay ngân hàng HSBC 1 triệu USD. Lãi suất vay USD ngắn hạn là 4%/năm; trung dài hạn là 6%/năm. “Ngay khi vay USD xong tôi quay vòng chuyển luôn khoản vay đó sang VND để trang trải chi phí mua bán nguyên liệu. So sánh với vay lãi suất VND, công ty tôi vẫn lời hơn về lãi suất ít nhất 1%/năm”- bà Châu nói. Như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác, trước những biến động đồng USD những ngày qua, bà Châu cho rằng sẽ tốt hơn cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản. “Vừa rồi mua nguyên liệu dừa cho bà con nông dân, chúng tôi không cạnh tranh được với thương lái Trung Quốc, vì họ thu mua vô tội vạ. Tỷ giá là vấn đề đáng quan tâm, nếu NHNN điều chỉnh sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu”- bà Châu cho biết.
Tại hội thảo Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, diễn ra sáng 15/4, do Viện Kinh tế - Tài chính Học viện Tài chính tổ chức, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: Sự chờ đợi này có thể xuất phát từ những suy luận là đồng USD đang lên giá mạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ giá nếu điều chỉnh để hỗ trợ xuất khẩu thì điều chỉnh càng sớm càng tốt.
Ông Độ phân tích: NHNN đưa ra thông điệp trong thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Thị trường có thể hiểu đó là một tuyên bố “mềm”, bởi NHNN đã không nói cụ thể sẽ tiếp tục ổn định mức tỷ giá hiện nay trong khoảng thời gian bao lâu, tức là vẫn có khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá trong tương lai gần.
Dù Ngân hàng Nhà nước đã lý giải sự biến động tỷ giá trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý, song thị trường dường như vẫn chờ đợi và “găm” giữ.