Tuyển sinh ngành Y: Cần hay không cần môn Sinh?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm nay, sinh viên vào học nhóm ngành khoa học sức khỏe không cần xét tuyển môn Sinh. Chủ trương “phi truyền thống” này đang có rất nhiều luồng ý kiến tranh luận.

Năm nay, trường ĐH Y tế Công cộng dự kiến nhiều ngành của trường sẽ xét tuyển tổ hợp không có môn Sinh học. Cụ thể, ngành Y tế công cộng xét tuyển tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh); ngành Dinh dưỡng xét tuyển tổ hợp D01, D07 (Toán, Hóa, Anh); ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng xét tuyển tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), D01, A01 (Toán, Lý, Anh); ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học tuyển sinh tổ hợp A01 và D07.

Tuyển sinh ngành Y: Cần hay không cần môn Sinh? ảnh 1
Tuyển sinh ngành Y không thể thiếu môn Sinh. Ảnh: Nghiêm Huê

Ở khối các trường ĐH ngoài công lập, một số trường có tuyển sinh ngành y cũng mở rộng tổ hợp xét tuyển, trong đó có nhiều tổ hợp không có môn Sinh học.

Có thể Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ xét tuyển tổ hợp A00, Trường ĐH Nam Cần Thơ xét tuyển thêm tổ hợp D07 đối với ngành Y khoa. Trường ĐH Hồng Bàng cũng xét tuyển nhóm ngành sức khỏe có tổ hợp A00, D07; trường ĐH Duy Tân xét tổ hợp A00 đối với nhóm ngành sức khỏe ngoài các tổ hợp truyền thống. Trường ĐH Phinekaa cũng tuyển 4 tổ hợp cho ngành Y khoa, trong đó có 2 tổ hợp không có môn Sinh học.

Theo lý giải của các trường khi đưa ra chủ trương xét tuyển các tổ hợp không có môn Sinh là do chất lượng nguồn tuyển ở những tổ hợp xét tuyển mới khá tốt, sinh viên bắt kịp với việc học ở trường. Từ tổ hợp truyền thống Toán - Hóa - Sinh, các trường bổ sung thêm các tổ hợp có môn tiếng Anh nhằm nâng vai trò của ngoại ngữ.

Các trường đều cho rằng tuyển sinh ngành Y khoa nhất thiết phải có môn Sinh học là suy nghĩ truyền thống vì thí sinh tốt nghiệp THPT đã có kiến thức cơ bản về Sinh học. Hơn nữa, kiến thức học ở bậc phổ thông là nền tảng. Học tốt Sinh học ở bậc này không có nghĩa là vào trường y, sinh viên đó sẽ học tốt. Quan trọng là các em phải có nền kiến thức cơ bản thật tốt và có tư duy khoa học.

Ngoại ngữ chỉ là công cụ

GS.TSKH Phùng Đắc Cam, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu các nhiễm trùng đường ruột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã kịch liệt phản đối chủ trương này. Theo ông, cách tuyển sinh như thế là hạ thấp chuẩn so với thế giới vì ngành khoa học sức khỏe là phục vụ con người. Ở các nước châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Thái Lan, Campuchia nếu ai muốn trở thành bác sĩ phải học từ 11 đến 12 năm. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có bác sĩ nội trú học 6 năm cộng 3 năm nội trú. Và các nước đều rất coi trọng kiến thức môn Sinh, Hóa trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe.

GS.TS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội đồng GS ngành Y nêu quan điểm, nhóm ngành khoa học sức khỏe không thể thiếu môn Sinh học. Môn học này ở các trường ĐH đào tạo Y dược là sự tiếp nối, bù đắp rộng hơn kiến thức của chương trình phổ thông. “Việc xét tuyển nhóm ngành sức khỏe không có môn Sinh theo tôi là một sai lầm. Nếu bỏ xét tuyển môn Sinh, rất có thể sau này, những sinh viên học y sẽ không nắm được những kiến thức cơ bản này. Môn Sinh quyết định rất nhiều kiến thức của nhóm ngành sức khỏe”, GS Phước thẳng thắn chia sẻ. Ông cho rằng nếu các trường quan điểm cần tiếng Anh để hội nhập thì đây là lí luận ngớ ngẩn vì tiếng Anh chỉ là công cụ, là phương tiện, không phải là môn học thay thế kiến thức chuyên ngành.

GS.TS Đậu Xuân Cảnh, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y học cổ truyền Việt Nam cho rằng theo truyền thống, Sinh học được coi là môn chủ đạo để xét tuyển vào nhóm ngành sức khỏe. Vì thế, việc một số trường y dược xét tuyển mà bỏ qua môn Sinh trong tổ hợp xét tuyển đầu vào là chưa phù hợp. Còn sau này, cơ sở giáo dục ĐH đào tạo môn Sinh học ở góc độ nào lại là chuyện khác.

MỚI - NÓNG