GS. Trần Văn Chứ, hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Lâm nghiệp cho biết, quy chế năm 2017 có nhiều thuận lợi cho thí sinh (TS). Trong quy chế, Bộ quy định xét tuyển đợt 1, thí sinh nộp phiếu đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Đây là một điểm mới rất được ghi nhận nhằm giúp TS sớm có tư duy về ngành nghề mà mình muốn theo đuổi trong tương lai để nỗ lực hơn trong quá trình học và thi đồng thời giảm áp lực cho các trường trong xét tuyển đợt 1.
Bộ cũng quy định sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, TS được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi. “Thay đổi này giúp cho TS có cơ hội lựa chọn được ngành nghề phù hợp theo mức điểm đạt được đồng thời hạn chế được “sự hỗn loạn” của một số năm trước khi TS đến trường đòi rút hồ sơ để nộp vào trường khác” – GS. Trần Văn Chứ đánh giá.
Cũng theo GS. Trần Văn Chứ, ở đợt 1, đối với các trường, ngành, TS được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Nhưng đối với từng TS, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng, TS chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Khi hệ thống đã xác định được nguyện vọng trúng tuyển này rồi thì lập tức những nguyện vọng còn lại sẽ bị xóa. Như vậy, các trường sẽ hạn chế hiện tượng ảo và xác định được số lượng TS chính thức trúng tuyển của trường mình.
“Tôi băn khoăn làm thế nào kết quả thi đánh giá khách quan. Vì năm nay giao cho địa phương chủ trì, ĐH chỉ phối hợp”.
Ông Mai Đức Ngọc, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Báo chí Tuyên truyền
Mặt khác, Bộ GD&ĐT cho phép các trường tự chủ trong việc quyết định số lần xét tuyển bổ sung. TS chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định. Điều này tạo thuận lợi cho các trường chủ động trong các hoạt động xét tuyển, đặc biệt là các trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu trong các đợt trước đó.
Đặc biệt, điểm xét tuyển bổ sung của từng ngành không được thấp hơn điểm xét tuyển lần 1 cũng là điểm mới đáng ghi nhận nhằm đảm bảo sự công bằng trong xét tuyển và tránh tình trạng thí sinh điểm cao vẫn không đỗ đại học như những năm trước.
Ông Mai Đức Ngọc, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Báo chí Tuyên truyền cũng khẳng định quy chế năm nay kế thừa những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm của các năm trước nên rất thuận lợi cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển sinh.
“Thước” đánh giá có chuẩn?
Tuy nhiên, là người làm công tác tuyển sinh đã lâu, chia sẻ ý kiến cá nhân của mình, ông Mai Đức Ngọc không khỏi băn khoăn trước việc kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 được Bộ GD&ĐT quyết định giao về các sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH chỉ phối hợp. “Tôi băn khoăn làm thế nào kết quả thi đánh giá khách quan. Vì năm nay giao cho địa phương chủ trì, ĐH chỉ phối hợp.
Những năm trước đây đã làm như thế nhưng kết quả chưa thực sự khách quan. Bộ đã chỉ đạo các trường ĐH phối hợp nhưng thực ra khâu coi thi không chặt chẽ lắm. Năm nay hy vọng các trường và địa phương đồng hành tốt hơn. Bộ cho biết có giải pháp kỹ thuật để hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử đó là thi trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh một mã đề tiêu chuẩn.
Nhưng tôi thấy, thi trắc nghiệm khó nhất là làm thế nào để coi thi khách quan. Thi trắc nghiệm coi thi không chặt chẽ thì lộ bài hết, còn dễ hơn tự luận. Dù mỗi người một mã đề nhưng cũng chỉ là đảo số câu từ một vài đề trong số đó thôi. Các trường với các sở phải đồng hành thì mới khách quan” – ông Mai Đức Ngọc đề xuất.
GS. Trần Văn Chứ cũng đưa ra một số đề xuất để mùa tuyển sinh 2017 đạt hiệu quả như Bộ mong muốn đó là sớm hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống đăng ký xét tuyển nhằm đảm bảo sự thông suốt tránh những bất cập ảnh hưởng đến quyền lợi của TS như những năm qua.
Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện phần mềm xét tuyển để đảm bảo quá trình xét tuyển được diễn ra thuận lợi nhất; Cần siết chặt chỉ tiêu đào tạo của các ngành nghề đào tạo trên cơ sở nhu cầu thực tế nguồn nhân lực mà xã hội đang cần, đặc biệt là đào tạo các ngành tiên tiến, chất lượng cao; Trong đào tạo hiện nay, việc kiểm soát chất lượng không chỉ tập trung ở đầu vào mà được thực hiện trong suốt quá trình đào tạo.
Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường công khai điều kiện bảo đảm chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng…
“Tuy nhiên, để các giải pháp này thực sự có hiệu quả và chất lượng, Bộ cần triển khai một cách đồng bộ các hoạt động về kiểm tra giám sát, đặc biệt là các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng mà các trường đã công bố” – GS.Trần Văn Chứ khẳng định.