Quy chế tuyển sinh 2017: Cần có giải pháp chống 'cấy' điểm

Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016 tại hội đồng thi ĐH Thủy lợi - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia 2016 tại hội đồng thi ĐH Thủy lợi - Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Bộ GD&ĐT vừa công bố quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017. So với bản dự thảo Bộ đưa ra để lấy ý kiến, quy chế tuyển sinh ĐH 2017 có nhiều điểm mới. Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm chủ trương cho phép các trường ĐH sư phạm được mở rộng đối tượng tuyển thẳng là học sinh các trường THPT chuyên của các tỉnh. Các chuyên gia cho rằng, song hành với chủ trương này, Bộ cần có giải pháp để chống “cấy điểm” học bạ.

Theo ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, trong dự thảo Bộ muốn bỏ điểm sàn. Tuy nhiên, dư luận cho rằng chủ trương này của Bộ hơi đột ngột. Chính vì vậy, trong quy chế chính thức, Bộ GD&ĐT đã dung hòa bằng cách năm nay vẫn có điểm sàn và từ năm 2018 thì các trường ĐH tự quyết định điểm sàn của mình. “Tôi cho rằng, chủ trương này của Bộ là đúng đắn. Vì nhiều trường quan niệm nếu Bộ không quy định điểm sàn thì lấy bằng nào điểm cũng được. Tôi cho rằng quan điểm này là không chuẩn đối với hệ ĐH. Nếu Bộ bỏ điểm sàn thì cũng phải công bố điểm “sàn” của từng khối trường. Không thể để  có chuyện  4, 5 điểm cũng trúng tuyển ĐH. Cho nên, Bộ đã dung hòa được chuyện này” - ông Hóa nói.

Cũng theo ông Hóa, với việc giữ điểm sàn trong mùa tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT đã có được “điểm lùi” cho mình để lấy ý kiến các chuyên gia cho việc bỏ điểm sàn vào năm 2018.

Riêng với các trường ĐH sư phạm, năm nay Bộ GD&ĐT cho phép các trường có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh, thành phố vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đoạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên và các điều kiện khác do trường quy định. Cũng theo quy chế, các trường có thể tổ chức nhiều đợt tuyển sinh trong năm.

Theo ông Hóa, chủ trương này là hợp lý. Vì hiện nay, kể cả các trường ĐH công lập thì cũng tuyển sinh bằng học bạ. “Nhưng tiêu chí xét như thế nào để chống chuyện “cấy điểm” ở các trường THPT mới là quan trọng. Bởi những năm  2001, 2002, khi tôi còn làm tại Học viện Tài chính, Bộ có chủ trương tuyển thẳng những học sinh giỏi THPT. Nhưng điều tra ra, phần lớn  những học sinh này đều được “chăm sóc” ở cấp huyện. Hết học kỳ I năm  thứ nhất, chúng tôi kiểm tra lại một lần nữa theo kiến thức chuyên môn thì có đến 65 – 75% các em này  bị loại khỏi lớp. Vì đây là những em không đủ kiến thức chuyên môn, học bạ của các em là “cấy  điểm” - ông Hóa khẳng định.  Chính vì vậy, theo ông Hóa, những học sinh thực sự giỏi ở các trường THPT chuyên mà được tuyển thẳng là rất tốt.  Còn lại, phải có biện pháp để chống tình trạng “cấy điểm”.

Đồng ý với quan điểm của ông Hóa về tuyển thẳng học sinh giỏi các trường THPT chuyên vào ĐH sư phạm, NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Thuận, phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế cho rằng chủ trương này rất tốt và hợp lý. Bởi theo  ông Thuận, đầu vào của các trường THPT chuyên đã rất cao. “Tuy nhiên, mặt bằng chung hiện nay của các trường trong cả nước không đồng nhất nên nếu được, sau khi tuyển thì có thể có bài kiểm tra để chống tỷ lệ “ảo” - ông Thuận chia sẻ.

Nhiều điểm mới trong mùa tuyển sinh 2017

Các trường ĐH đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp trung học tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi (tổng điểm 3 bài thi/môn thi của tổ hợp dùng để xét tuyển) thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm (theo thang điểm 10) và phải học bổ sung kiến thức một học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định. Từ năm 2018 trở đi, khi các trường đã công khai đầy đủ và chuẩn xác các thông tin theo quy định  thì mỗi trường tự xác định điểm sàn cho trường mình.

Theo  quy chế, Bộ GD&ĐT  yêu cầu tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai Đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của Đề án; đồng thời, gửi về Bộ GD&ĐT để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Quy chế thi năm 2017 quy định thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Quy chế mới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức 5 bài thi gồm 3 bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Hai bài thi tổ hợp gồm các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh học chương trình THPT phải dự 4 bài thi gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và chọn một trong hai môn KHTN hoặc KHXH. Quy chế cũng khẳng định lại, kiến thức thi năm nay nằm hoàn toàn trong nội dung lớp 12. Từ năm 2019 trở đi thí sinh sẽ thi toàn bộ kiến thức trong chương trình THPT.

Mỗi tỉnh thành phố sẽ tổ chức một cụm thi, tuy nhiên điểm khác biệt là các cụm thi đều do sở GD&ĐT chủ trì. Bộ sẽ cử giảng viên, cán bộ các trường ĐH, CĐ về phối hợp tổ chức thi.

Theo lãnh đạo một sở GD&ĐT, quy chế chính thức đã có sự điều chỉnh quan trọng đó chính là việc giữ điểm sàn. Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo này, ý kiến được kiến nghị nhiều nhất trong dự thảo chính là việc tổ chức ba môn thi liên tiếp trong tổ hợp thi sẽ khiến thí sinh căng thẳng, lẫn lộn kiến thức đã không được Bộ GD&ĐT điều chỉnh.

Nguyễn Hà

MỚI - NÓNG