1. Khi một cuộc chiến sinh tử bắt đầu, tất cả mọi giả thiết sẽ bị gạt sang một bên. Không có “nếu”. Không còn “giá như”. Bất cứ sự thiên vị cảm tính nào cũng không thể tác động được vào vòng xoay của trái bóng. Chỉ còn hiện thực nghiệt ngã: Kẻ nào phạm ít sai lầm hơn, tận dụng được toàn bộ ưu thế và phát huy được sở trường của mình đến tận cùng, kẻ đó sẽ chiến thắng.
Mà thực ra, không chỉ 20 phút đầu của trận chung kết World Cup 2018, cả thế giới đã thấy rằng việc lo lắng cho thể lực của một Croatia “tắm máu khổ chiến” để vào được đến tận đêm chung kết này là thừa thãi, và nương nhẹ những chiến binh Balkan ấy sẽ là tự sát.
Les Bleus chủ động lùi sâu xuống tận 1/3 sân, để rình rập cơ hội ư? Nếu đúng như thế thì kế hoạch đó đã hoàn toàn có thể sớm phá sản, bởi sự chuệch choạc trong phòng ngự bóng bổng, mà xuất phát điểm lại là trạng thái hơi “ngợp” của hai hậu vệ cánh lần đầu được chơi trong một trận đại chiến.
Rakitic, Modric hay Perisic vẫn có quá nhiều khoảng trống, những khoảng trống đầy hiểm họa. Đủ để các CĐV áo lam kỳ cựu lạnh người.
Có lẽ điều thủ môn Hugo Lloris nói trước trận là đúng: Pháp bắt đầu có những biểu hiện xao nhãng. Và ở một khía cạnh nào đó, dường như họ bị giằng xé giữa ham muốn ào ạt tràn lên áp đặt thế trận, với sự nhẫn nại chờ đợi những cánh cửa bật mở.
2. Thực ra, trước khi Mandzukic hủy hoại các cơ hội của đồng đội Croatia, tuyển Pháp đã bắt đầu tăng tốc. Tấn công, dù sao, cũng là cách phòng ngự hiệu quả nhất. Họ cần những khoảng thời gian “giảm tải” cho hàng thủ, để tránh những sai lầm bất ngờ có thể xảy đến. Và họ có được cơ hội, kiểu cơ hội vốn thuộc sở trường của họ: Những tình huống bóng chết.
Phải, người Pháp tận dụng khá tốt những tình huống như thế. Đó là thứ vũ khí tẩm đầy nọc độc trong hành trang của họ. Đoàn quân của Deschamps còn là một thứ “đại hành gia” môn “Cầm nã thủ”, khi đủ khả năng hủy hoại lối chơi cũng như niềm phấn khích của bất cứ đối thủ nào.
Chỉ cần thế thôi. Đừng quên, Deschamps đã từng là một tiền vệ trụ xuất sắc đến đâu, với bao năm chinh chiến trong màu áo của những bậc thầy về nghệ thuật tàn phá thế trận. Juventus ngày ấy thường bị hiểu sai là ngọn cờ phòng ngự phản công, nhưng thực ra, họ cũng có thể tạo nên sức công phá khủng khiếp, nếu cần phải thế. Les Bleus bây giờ, chưa từng bị bất cứ đối thủ nào đẩy đến bờ vực thẳm.
Nếu điều đó xảy ra, vẫn còn dư địa để Deschamps phát lệnh xung phong, đẩy nhịp độ trận đấu tới cực đại. Song, không cần thiết phải như thế. Thời vận đã giúp một tay đắc lực để những gì mà Les Bleus giỏi nhất đã là thừa thãi cho việc đóng sập trận đấu lại, ngay từ khi hiệp hai còn hơn 30 phút.
3. Tận dụng bóng chết, tràn ngập trung tuyến, bịt chặt các con đường vào khung thành Lloris. Và tốc độ gió bão của Mbappe, khả năng làm tường của Giroud cũng như kỹ năng gây nhiễu của Griezmann là những sự bảo đảm cho các đường phản công nhắm vào khoảng trống sau lưng một Croatia đã buộc phải từ bỏ nhịp độ quen thuộc, đi chênh vênh trên lằn ranh của hai trạng thái (tấn công và phòng ngự).
Cùng làm lại từ đầu sau bàn gỡ của Perisic, nhưng điều không thể phủ nhận là Les Bleus tàn nhẫn, thực dụng và sắc bén hơn Croatia gấp bội.
Không còn Zizou nào, nhưng Pogba đã kịp tái hiện hình ảnh Emmanuel Petit đêm vàng son 98. Mà sau chén đắng Paris ở EURO 2016, Deschamps và các học trò cần gì phải phiêu lưu vì bất cứ giá trị phù phiếm nào?