Tuổi thơ bị đánh cắp: Bài 1 Vào lò lao động nhí

Lao động nhí tại cơ sở chế biến cá bò trong HTX Điện Phước II
Lao động nhí tại cơ sở chế biến cá bò trong HTX Điện Phước II
TP - Những đứa trẻ lam lũ, vất vả sớm bước vào cuộc mưu sinh là hình ảnh không hiếm bên hè phố, trên bãi rác... Những đứa trẻ không có tuổi thơ. Tuổi thơ đã bị đói nghèo quăng quật. Và cũng còn đó nhiều tuổi thơ bị đánh cắp bởi lòng tham và cả sự tàn nhẫn của người lớn.

Dưới cái nóng hầm hập, hàng chục đôi tay trần, gầy nhỏ miệt mài bóc tách, dán từng mớ cá bò sơ chế tại cơ sở chế biến Điện Phước (Điện Bàn, Quảng Nam). Lao động ở đây đa phần là trẻ nhỏ và phụ nữ.

Khu Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất kinh doanh tổng hợp Điện Phước II nằm gần trụ sở UBND xã. Sau hai dãy nhà chuyên dệt vải, gia công quần áo, cơ sở chế biến cá nằm đoạn sân sau của khu hợp tác xã. Căn nhà dựng tạm, khá thấp nên cái nóng lúc nào cũng bủa vây. Hàng chục con người, chủ yếu phụ nữ, trẻ em miệt mài với công việc. Nhiều lao động nhí còn được bố trí ở ngoài hiên, dưới sân khu hợp tác xã.

- Em vào có việc gì thế?

- Em muốn tìm hiểu về nghề làm cá bò.

Chị quản lý cơ sở tên Phương tỏ ra nghi ngờ trước sự xuất hiện của những người lạ chúng tôi. Chị Phương ngồi ngay khu vực chính diện, trên bàn đặt cuốn sổ chấm công, cùng chiếc cân để tính khối lượng lao động làm theo sản phẩm. “Nhờ có nghề này mà người dân trên địa bàn có thêm thu nhập. Công việc nhẹ nhàng, mỗi cân thu được 3.500 đồng, tính ra mỗi lao động có thể kiếm được 6-7 chục bạc đó” - Chị Phương hồ hởi.

Em Nguyễn Thị Phương mặc nguyên bộ đồng phục tranh thủ đến làm tại xưởng chế biến cá bò
Em Nguyễn Thị Phương mặc nguyên bộ đồng phục tranh thủ đến làm tại xưởng chế biến cá bò . Ảnh: Nguyễn Huy

Cả cơ sở duy nhất chỉ có chiếc quạt gần chỗ chị quản lý được sử dụng. Mái nhà thấp, nóng nực làm mùi tanh của mớ cá bò sơ chế càng thêm khó chịu. Lẫn trong những đôi tay chai sạn của các dì, các chị là không ít bàn tay nhỏ gầy của các em đang độ tuổi đến trường.

Nhọc nhằn lao động nhí

Vẫn bộ đồng phục học sinh trường THCS Trần Quý Cáp (Điện Phước), em Trương Thị Thùy Dung đến cơ sở làm khi nhiều em nhỏ còn đang ngái ngủ. Phương tỏ ra khá nhanh nhẹn với công việc bóc tách mớ cá bò, cho vào khuôn tròn bán kính chừng 5cm, rồi lật qua lật lại, dỡ bỏ tấm nylon trong khuôn.

“Công việc này tỉ mỉ lắm anh ạ, nếu không tập trung thì khó làm nhanh được. Ban đầu bọn em rất khó chịu với mùi tanh của cá nhưng làm miết cũng quen” - Dung tâm sự.

15 tuổi, Dung gánh trọng trách phụ giúp kinh tế cả gia đình. Nhà Dung có 3 chị em, các chị đều đi học cao đẳng ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam). Gia đình thuần nông, Dung sớm bước vào cuộc mưu sinh. Hơn hai năm nay, Dung gắn bó với cơ sở chế biến cá bò. Trước đây cơ sở do một công ty ở Đà Nẵng vào mở, sau được một đơn vị thuê lại tiếp tục sản xuất, kinh doanh cá bò.

Dung bộc bạch: Ngày nào đi học, sáng tranh thủ đến sớm, làm được 1-2 kg, kiếm 5.000 đồng, sau đó mới tranh thủ đến trường. Hôm nào nghỉ học, em tranh thủ “tăng ca” tại đây. Mỗi ngày làm cật lực cũng kiếm được 30-40 nghìn đồng.

Không riêng Dung, ngay lớp 8 của em cũng có ba bạn khác đang cùng làm ở cơ sở chế biến cá bò tại HTX Điện Phước II. “Bọn em rủ nhau đi vì nhà nào cũng nghèo. Làm có bạn vui hơn, thấy đỡ mệt. Những lúc buồn nói chuyện với nhau, hoặc tranh thủ trao đổi về bài vở cho đỡ thua thiệt bạn bè”, giọng em Nguyễn Thị Lệ (lớp 8 - trường THCS Trần Quý Cáp) nhỏ nhẹ.

Chìa bàn tay ra trước mặt, em Nguyễn Thị Phượng, học sinh lớp 10 C7 trường THPT Hoàng Diệu (Điện Bàn) ái ngại: “Bọn em không dám đeo găng tay vì nó gây trơn và khó làm việc. Ai cũng để bàn tay trần làm cả. Nhìn tay bạn nào cũng nhợt nhạt vì luôn phải tiếp xúc với cá tươi hoặc cá xay nhuyễn. Lắm lúc cũng dị (ngại) với các bạn cùng lớp vì làm cá có rửa đến mấy vẫn còn mùi tanh. Nghỉ hè, tụi em làm nhiều hơn, vừa phụ gia đình, vừa dành dụm để kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới”.

Đổ cho cái nghèo

Càng gần trưa, cái nóng càng khắc nghiệt. Khiêng lớp cá trên khuôn ra sân phơi nắng, hai em nhỏ cố chạy thật nhanh để tránh nóng. Bên trong, hàng chục lao động vẫn cứ miệt mài công việc. Từng giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt. Đếm qua cũng có đến hơn 20 lao động nhí tại cơ sở.

Em Trần Thị Kim Huệ (12 tuổi, thôn Nhị Dinh 1), được xem lao động đến sớm nhất trong ngày làm việc hôm nay. Đang là học sinh lớp 6, trường THCS Trần Quý Cáp (Điện Phước), Huệ tỏ ra khá chậm với việc bóc tách mớ cá được cắt nhỏ.

“Em học nghề chậm, làm không nhanh như các bạn nên phải đến sớm mới kiếm được nhiều tiền hơn. Tính ra làm liên tục từ sáng đến tối cũng chỉ được 2-3 chục bạc” - Huệ nói.

Em Trần Thị Kim Huệ miệt mài với công việc dán cá bò
Em Trần Thị Kim Huệ miệt mài với công việc dán cá bò . Ảnh: Nguyễn Huy

Nhà Huệ có hai chị em, Huệ lớn nhất, gia cảnh khó khăn, bố mẹ chủ yếu làm nghề nông nên em sớm bước vào cuộc mưu sinh nhọc nhằn này. Đang độ tuổi cắp sách đến trường nhưng, khuôn mặt Huệ đen sạm và hằn nếp vất vả lo toan.

Cách vài khuôn đỡ, chị Nguyễn Thị Hà (38 tuổi) vừa làm việc, vừa liếc mắt nhìn để ý Huệ - con gái mình. Chị Hà xót lòng: “Bắt cháu đi làm sớm tôi cũng áy náy lắm. Nhưng vì cái nghèo biết làm sao? Nếu không phụ giúp làm thêm trong khi ruộng đồng ít ỏi, cằn cỗi, chắc chúng tôi không có điều kiện để lo cho các cháu ăn học”.

Đạp xe đi làm, chị Hà mang theo luôn cả đùm cơm để trưa được nghỉ là ăn cho đỡ mất thời gian. “Ở đây họ tính công theo sản phẩm nên phải tranh thủ. Cháu nó cũng nghỉ hè, không phải đi học nữa nên hai mẹ con cùng ráng sức” - Chị Hà bộc bạch.

Chị Phương, quản lý cơ sở phân trần: Ở đây phần lớn là các hộ khó khăn, không có công ăn việc làm ổn định, chúng tôi mở cơ sở tạo điều kiện cho bà con kiếm thêm thu nhập, chứ ai bắt các em nhỏ đi làm làm gì, nhưng chúng cứ xin vào làm vì muốn kiếm tiền mua sách vở.

Mới nhắc nhở, chưa xử lý

Trao đổi về vấn đề này, ông Tào Bạn - Chủ tịch UBND xã Điện Phước xác nhận: Nghề cá bò có mặt ở địa phương hơn ba năm nay. Cơ sở cá bò ở HTX Điện Phước II do ông Nguyễn Phú Phùng mới thuê lại và hoạt động cách đây hơn 1 tháng. Ngoài ra còn có ba cơ sở khác ở Nhị Dinh I và Nhị Dinh II thu hút khoảng 300 lao động địa phương, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.

Sớm triển khai dự án “Ngăn ngừa trẻ em lao động nặng nhọc”

Theo ông Nguyễn Thùy, tình trạng lao động nhí trên địa bàn chưa đến mức báo động nhưng đang ngày một gia tăng.

Ở huyện Duy Xuyên, trẻ em làm nghề khâu giầy, dán cá bò; ở Điện Bàn, số lao động nhí tham gia nghề dán cá bò và ở các huyện miền núi (Tây Giang, Nam Giang), tình trạng trẻ em tự phát đào đãi vàng xuất hiện nhiều.

Tỉnh cùng tổ chức lao động quốc tế đang đẩy mạnh việc khảo sát và sớm triển khai dự án “Ngăn ngừa trẻ em lao động nặng nhọc” từ nay đến năm 2012.

Theo đó, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh, hạn chế không cho trẻ em đi làm thêm; tác động vào kinh tế gia đình tạo sự ổn định nhất định để ngăn chặn việc trẻ em phải lao động sớm. 

Tuy nhiên, hỏi về vấn đề kiểm tra, xử lý, ông Bạn cho biết, xã cùng ngành chức năng tổ chức nhiều đợt họp với chủ các cơ sở chế biến cá bò, yêu cầu ký cam kết không được sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi...

Địa phương cũng tiến hành kiểm tra nhưng mới chỉ nhắc nhở là chính chứ chưa xử lý vì hầu hết các chủ cơ sở này đều lấy lí do rằng lao động nhí đi theo người nhà chứ không phải đến làm việc trực tiếp.

Ông Lê Hòa - Chánh văn phòng UBND xã Điện Phước cũng cho biết, các đơn vị kinh doanh sản xuất cá bò ký cam kết nhưng tình hình tái phạm khá phổ biến trong thời gian vừa qua. Xã sẽ tăng cường biện pháp để kiểm tra, xử lý.

Theo ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam thì, cái khó dẫn đến việc lao động nhí xuất hiện chính là do tính chất công việc và ý thức của các gia đình.

Phần lớn những việc sơ chế, dán cá bò phù hợp với các em, phụ huynh chỉ nhìn lợi ích kinh tế trước mắt; hơn nữa do dịp hè nhiều học sinh không biết làm gì, gia đình sợ khó quản lý nên cho con em đi làm thêm.

Còn nữa

Nguyễn Huy

MỚI - NÓNG
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
Sở TN&MT Hà Nội nói gì về tình trạng thổi giá, bỏ cọc đấu giá đất?
TPO - Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đấu giá đất vừa qua tại huyện Thanh Oai và Hoài Đức có hiện tượng một nhóm người tham gia đấu giá không có nhu cầu ở, mà để kinh doanh, đầu cơ, trả giá cao hơn giá thị trường sau đó bỏ cọc. Việc đầu cơ dẫn đến phức tạp trong quản lý đất đai.