Trực tiếp từ nhà vệ sinh…
Khi đã trở thành người của công chúng, ông không thể thong dong tự tại như trước. Khi đám đông còn chú ý, đội livestream còn hoạt động khiến việc đi bộ học Phật của ông trở thành một cuộc khủng hoảng đời sống cá nhân. Thích Minh Tuệ vẫn cần không gian riêng. Nhưng vì không có trú xứ nên ông trở thành một điểm hành hương hoặc một “nhân vật công cộng”.
Trên mạng lan truyền hình ảnh nhiều điện thoại có cán dài châu cả vào ô thoáng của một nhà vệ sinh ở cây xăng mà ông Tuệ được cho là đang ở trong. Hoặc clip ghi lại hình ảnh 3 rưỡi sáng, các Phật tử đã rủ nhau lội suối đến nơi ông đang nghỉ để… cúng dường. Ông đã rời quốc lộ, rẽ vào rừng nhưng vẫn không được yên.
Ông Thích Minh Tuệ chấm dứt hành trình cùng đám đông tại Cổng Trời, Đèo Ngang- Quảng Bình. Ảnh: CMH |
Mấy hôm trước thấy nhiều người đi theo, ông chỉ nói đại ý không rủ ai mà cũng không đuổi ai và nhắc mọi người đi hàng một. Nhưng tới sáng 20/5, Thích Minh Tuệ đã phải ra lời với đám đông đại ý, hộ pháp hay cái gì cũng về, đừng theo ông gây mất trật tự, mất an toàn giao thông: “Hạnh đầu đà, tập học là hữu duyên tự mình lo lấy. Khi nào cần thiết mình gặp. Không phải khi nào cũng gặp, quỳ đảnh lễ cả. Mình ở nhà làm điều thiện, giữ giới theo lời Phật dậy là đảnh lễ rồi”.
Thích Minh Tuệ từng chia sẻ việc tu trên đường của mình là để kiểm tra định lực, nếu thấy không còn tham sân si sẽ vào rừng sâu ở. Nhưng có vẻ thời hạn đó không do ông quyết định. Do sự đeo bám quá mức của đám đông, từ chiều 20/5, ông đã rời đường lớn để “thoát thân”.
Ông nhấn mạnh: “Người tu cũng có công việc của họ, có thời gian ngồi thiền, tu hành, làm việc riêng tư. Đâu phải diễn viên điện ảnh, không phải Hollywood, không phải xem phim”.
Từ khu vực đèo Ngang (Quảng Bình) không thấy các YouTuber ghi nhận thêm hình ảnh gì nữa của Thích Minh Tuệ. Các phiên livestream lần lượt đóng lại trước Cổng Trời trong chiều mưa sụt sùi. Nhưng nếu chỉ có một mình, tự mình làm mọi việc bao gồm khất thực, hằng ngày ông sẽ vẫn phải lộ diện trước một ai đó.
Chiều 20/5, trong khi ông Tuệ vẫn náu trong rừng, hai thanh niên cũng cạo trọc và mặc đồ giống ông ra đường - nơi dân chúng đang ngóng chờ - để nhắn rằng, từ giờ ông Tuệ và cả nhóm sẽ không cho phép ai quay hình, nếu vi phạm sẽ nhờ công an can thiệp.
Nếu đây đúng là thông điệp từ ông Minh Tuệ thì đã đến lúc ông phải bảo vệ quyền nhân thân, không thể để tùy duyên như quan điểm ban đầu.
Sáng 20/5, ông cũng đã chuyển sang xưng “chúng tôi” thay vì “con” như mọi lần. Và tới sáng sớm 21/5, ông và các “huynh đệ” đã xuống đường trở lại, nhưng lần này vào tận nhà dân khất thực chứ không nhận đồ cúng dọc đường. Như vậy pháp tu của Thích Minh Tuệ đã có sự ứng biến phù hợp tình hình mới.
Dễ như đi tu?
Sự nổi tiếng của ông Thích Minh Tuệ có tác dụng làm bình thường hóa lối tu khất thực. Qua đó, nhiều người cũng được biết, ông không phải người duy nhất tu hạnh đầu đà. Trong cuộc trò chuyện với một vlogger tại núi Sạn (Nha Trang) nửa năm trước, Thích Minh Tuệ cho hay, trên núi này đang có 4 vị cũng tu đầu đà nhưng không muốn lộ mặt.
Một clip mới đây ghi lại cuộc trò chuyện với một vị cũng phát nguyện tu đầu đà. Vị này xưng là Ngộ Chánh từng là thạc sĩ, giảng viên đại học và có thầy hướng đạo là Phước Đông. Hai thầy trò sau mấy tháng cùng du tu thì tách ra đi riêng.
Hình tượng văn hóa đại chúng Thích Minh Tuệ đã kịp phóng chiếu vào thơ, tranh, ca khúc, thời trang và cả… kiểu tóc |
Người này và ước chừng 18 nam giới đồng hành với Thích Minh Tuệ cũng mặc cùng một kiểu y áo may từ vải nhặt được, ôm ruột nồi cơm điện thay cho bát khất thực. Về hình tướng, họ coi như cùng trường phái khất sĩ với “thần tượng”. Như vậy, Thích Minh Tuệ vô tình mở ra một hướng đi cho một số người hướng Phật, muốn xuất gia nhưng vì lý do nào đó không có duyên với chùa.
Một clip cho thấy, giây phút thanh niên vừa xuống tóc và tề chỉnh y bát, mặt vẫn còn nguyên nỗi xúc động đã bị người quay phim đeo bám hỏi “xin phép gia đình chưa”. Có thể nói, giây phút xuống tóc xuất gia rất thiêng liêng thường được cử hành long trọng tại chùa.
Trước đó, thiền sinh còn phải vượt qua một bài khảo thí trước toàn thể Phật tử và thân bằng quyến thuộc. Đằng này, nghi thức chỉ do một thợ cắt tóc thực hiện tại bãi đất trống. Tâm trạng của người quyết đi tu đầu đà lúc đó chắc là nhiều xáo trộn.
Theo quan điểm nhà Phật, một khoảnh khắc khởi tâm tu cũng đã để lại một dấu ấn nghiệp không vô ích về sau. Nhưng dù sao có thầy dẫn dắt ngay từ đầu vẫn hơn. Chưa kể có một hệ thống chùa để tu học mà không tận dụng cũng phí…
Có thể ban đầu họ thấy cách tu của Thích Minh Tuệ khá đơn giản, có vẻ bắt chước được ngay nên quyết chí theo. Truyền thông mạng tạo nên một hấp lực nhất định khiến hình tượng Thích Minh Tuệ trở nên lung linh, hùng tráng. Nhưng cũng chính nhờ mạng xã hội, họ đã có hình dung trước về kiểu tu của Thích Minh Tuệ.