Tự phát hiện tham nhũng là khâu yếu nhất

Ảnh minh họa. Ảnh: Hồng Vĩnh
Ảnh minh họa. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trao đổi với Tiền Phong về câu chuyện Hà Nội, TP Hồ Chí Minh không phát hiện ra tham nhũng trong nội bộ, ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thừa nhận, đây đang được coi là khâu yếu nhất dù có nhiều thuận lợi nhất trong phát hiện. 

Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là ở một số nơi, người đứng đầu còn e ngại, nể nang, tránh va chạm, thậm chí có khi còn “dính” vào tham nhũng nên không đấu tranh, phòng chống.

Có khi người đứng đầu “dính” tham nhũng

Tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự bức xúc khi cơ quan chức năng báo cáo không phát hiện ra tham nhũng. Có đại biểu còn đặt câu hỏi: Vậy tham nhũng đang trốn ở đâu? Là người theo dõi về công tác phòng chống tham nhũng nhiều năm nay, ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề trên?

Đúng là vừa qua có nhiều ý kiến bức xúc về việc đó. Tuy nhiên, đó không phải là nói ở hai địa phương  kể trên không có tham nhũng, mà chỉ nói là nội bộ không phát hiện được ra tham nhũng. Tức là các cơ quan, đơn vị không tự phát hiện ra tham nhũng, chứ không phải hai thành phố không có tham nhũng. Nếu mà không có tham nhũng thì có lẽ hai địa phương trên đã tiến tới một sự phát triển rất cao hoặc cơ quan chức năng “bó tay” không phát hiện ra nổi.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, khâu phát hiện ra tham nhũng trong nội bộ đang là một trong những khâu yếu nhất trong công tác phòng chống tham nhũng, và việc đại biểu bức xúc cũng là điều dễ hiểu. Bởi ở mỗi cơ quan, đơn vị, chính quyền hiện nay, chúng ta đều  có chi bộ, có lãnh đạo quản lý. Cơ quan, địa phương cũng biết bản kê khai tài sản của các cá nhân, biết khá rõ thu nhập của mọi người hằng tháng là được bao nhiêu… Rồi đời sống của cán bộ, nhân viên thì mọi người trong cơ quan cũng cảm nhận dễ nhất…

Cũng không loại trừ nguyên nhân phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu do người đứng đầu cũng “dính” đến tiêu cực, tham nhũng nên chẳng dại gì lại đi đấu tranh, phát hiện tham nhũng trong nội bộ.

Vì thế, trong tập thể, nếu xuất hiện một người bỗng dưng giàu lên bất thường thì những người trong cơ quan biết ngay. Một người khi vào cơ quan nghèo rớt, thu nhập chẳng bao nhiêu lại là con một gia đình nông dân nghèo… làm việc có mấy năm mà mua sắm được nhà cửa, xe cộ thì cơ quan biết ngay, làm sao giấu hết được. 

Nhưng nếu người đứng đầu cơ quan đó có trách nhiệm thì phải để mắt, tìm hiểu xem vì sao cán bộ, nhân viên đó giàu lên nhanh chóng như vậy. Có tham ô, tham nhũng, làm trái gì không? Nhưng buồn là những việc này chưa được người đứng đầu, các đơn vị chú trọng nên khâu phát hiện tham nhũng trong nội bộ nhiều năm qua vẫn là khâu yếu nhất.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu?

Phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu vì người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ và chưa làm tròn trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, người đứng đầu có tâm lý ngại va chạm, né tránh, biết nhưng không muốn nói.

Thứ hai là do hành vi tham nhũng có độ ẩn cao, nên cũng khó phát hiện. Ngoài ra, cũng không loại trừ nguyên nhân phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu do người đứng đầu cũng “dính” đến tiêu cực, tham nhũng nên chẳng dại gì lại đi đấu tranh, phát hiện tham nhũng trong nội bộ.

Phát hiện tham nhũng trong nội bộ yếu có đồng thuận với tỷ lệ đơn tố cáo trong nội bộ ít không, thưa ông?

Đến nay, Ban Nội chính Trung ương chưa có thống kê cụ thể số lượng đơn thư tố cáo hành vi tham nhũng trong nội bộ chiếm tỷ lệ bao nhiêu. Tuy nhiên, qua theo dõi chúng tôi thấy tố cáo tham nhũng trong nội bộ là có. Rất nhiều vụ tham nhũng mà chúng ta phát hiện ra là do tố cáo tham nhũng trong nội bộ, giúp cho cơ quan chức năng điều tra, phát hiện ra. Vì độ ẩn tham nhũng rất cao nên đôi khi chỉ trong nội bộ mới biết, chứ người ngoài khó biết được.

Xử lý nghiêm

Phải chăng người đứng đầu không quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng vì họ sợ bị quy trách nhiệm nếu đơn vị để xảy ra các vụ việc tham nhũng?

Luật pháp của chúng ta đã tiên lượng được điều trên, nên đã có các quy định phù hợp. Trong Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định rõ những nội dung loại trừ trách nhiệm của người đứng đầu. Ví dụ, nếu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng, qua kiểm tra cho thấy, người đứng đầu đã nỗ lực, đã thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng bất khả kháng thì bị loại trừ trách nhiệm. Ngoài ra, nếu điều tra cho thấy, cán bộ đó thực hiện hành vi rất tinh vi nên không phát hiện ra được thì người đứng đầu cũng được loại trừ trách nhiệm. Chứ không phải cứ để xảy ra tham nhũng là anh bị quy trách nhiệm, bị xử lý đâu.

Thời gian tới cần làm gì để tăng tính tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ?

Cần phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 50 của Bộ Chính trị. Chỉ thị trên đã nêu rõ người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng. Người đứng đầu trực tiếp thì phải chủ động tự phát hiện ra tham nhũng, chứ không được “khoán” cho cấp phó, cho cơ quan thanh tra, kiểm tra hoặc các phòng, ban khác… 

Chỉ thị cũng nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp anh hoàn toàn có thể biết vụ việc tham nhũng nhưng không chủ động xử lý, đến khi đơn vị bên ngoài vào mới phát hiện ra. Trong trách nhiệm về mặt chính trị, pháp lý còn nhấn mạnh cả về đạo đức của người đứng đầu nữa. Nếu người đứng đầu gương mẫu, không tham nhũng thì sẽ tạo ra uy quyền để cấp dưới không dám tham nhũng. Trường hợp không gương mẫu thì cấp dưới sẽ không nghe và khó ngăn chặn, phát hiện được tham nhũng.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.