Từ loạt sự cố của Boeing: Đi máy bay an toàn hay rủi ro?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo một nghiên cứu mới từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ngành hàng không thương mại đã trở nên an toàn hơn đáng kể trong thập kỷ qua, với nguy cơ tử vong giảm một nửa so với 10 năm trước. Mặc dù các sự cố máy bay gần đây có thể đã làm dấy lên lo ngại, nhưng các số liệu cho thấy việc di chuyển bằng máy bay ngày càng an toàn hơn.

Nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chỉ ra rằng nguy cơ tử vong khi bay đã giảm gấp đôi sau mỗi thập kỷ kể từ những năm 1960. Điều này có nghĩa là hành khách lựa chọn đi máy bay hiện nay an toàn hơn khoảng 39 lần so với những năm cuối thập kỷ 1960 và 1970.

Mặc dù có những sự cố nghiêm trọng gần đây, chẳng hạn như vào giữa tháng 1, sự cố cửa chiếc Boeing 737 MAX 9 của Hãng hàng không Alaska Airlines bị bật ra và khiến Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) phải đình chỉ toàn bộ 171 máy bay MAX 9 trong quá trình điều tra.

Từ loạt sự cố của Boeing: Đi máy bay an toàn hay rủi ro? ảnh 1

Hành khách đi máy bay an toàn hơn khoảng 39 lần so với cuối những năm 1960 đến 1970.

Hồi tháng 5, một người Anh tử vong và 7 hành khách đã bị thương nặng trong chuyến bay từ Luân Đôn đến Singapore sau khi máy bay bị nhiễu động mạnh.

Mặc dù những sự cố máy bay vẫn xảy ra, nhưng nghiên cứu của MIT vẫn cho thấy ngành hàng không ngày càng an toàn hơn.

Theo dữ liệu, nguy cơ tử vong trong các chuyến bay thương mại toàn cầu chỉ là 1/13,7 triệu lượt hành khách trong giai đoạn 2018-2022. So với con số 1/7,9 triệu lượt hành khách trong giai đoạn 2009-2017, đây là một cải thiện rõ rệt. Những số liệu này còn ấn tượng hơn khi so sánh với thời kỳ 1968-1977, khi nguy cơ tử vong là 1/350.000 lượt hành khách.

Giáo sư Arnold Barnett của MIT, đồng tác giả của nghiên cứu, khẳng định: “An toàn hàng không tiếp tục được cải thiện. Mặc dù mức độ rủi ro không thể giảm xuống thấp hơn, nhưng nguy cơ tử vong trong chuyến bay vẫn giảm khoảng 7% hàng năm và tiếp tục giảm gấp đôi mỗi thập kỷ”.

Các nhà nghiên cứu thừa nhận những sự cố như các vụ va chạm gần đây trên đường băng ở Mỹ khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ an toàn khi bay, nhưng họ nhấn mạnh rằng điều đó cho thấy an toàn hàng không “luôn là một nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu ”.

Từ loạt sự cố của Boeing: Đi máy bay an toàn hay rủi ro? ảnh 2

Boeing hiện đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến uy tín sản xuất trong năm 2024. Ảnh: Investing.com.

Hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing hiện đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến uy tín sản xuất trong năm nay, dẫn đến việc Giám đốc điều hành Dave Calhoun và Chủ tịch Larry Kellner tuyên bố sẽ rời bỏ công ty vào cuối năm.

Trước sự cố của Hãng hàng không Alaska Airlines đã có 2 thảm họa Boeing 737 gây tử vong cho tất cả hành khách và phi hành đoàn. Cụ thể, vào năm 2018, một chuyến bay của Lion Air từ Indonesia đã rơi xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh, khiến tất cả 189 người trên máy bay tử vong. Chỉ 5 tháng sau, một máy bay của Ethiopian Airlines cất cánh từ Addis Ababa đã gặp tai nạn và rơi xuống cách sân bay chỉ 30 dặm sau 6 phút, khiến tất cả 157 người trên máy bay thiệt mạng.

Tuy nhiên, nghiên cứu của MIT cho thấy việc di chuyển bằng máy bay ngày càng an toàn hơn. Điển hình như Ryanair - hãng hàng không an toàn nhất thế giới về số lượng hành khách đã bay mà không có một tai nạn tử vong nào, loại máy bay duy nhất mà hãng sử dụng là Boeing 737.

Các yếu tố như tiến bộ về công nghệ như hệ thống tránh va chạm trên máy bay, đào tạo toàn diện đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an toàn hàng không qua từng thập kỷ.

Dù không phải quốc gia nào cũng đạt được mức độ an toàn hàng không như nhau, nhưng Barnett cho rằng ngành hàng không đang làm rất tốt việc cải thiện an toàn. Ông kết luận: “Sau nhiều thập kỷ đã cải thiện rõ rệt, thực sự khó khăn để duy trì tốc độ cải thiện đó, nhưng ngành hàng không vẫn làm được.”

Theo The Independent
MỚI - NÓNG