Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đó là những con người bình dị sống đẹp, chia sẻ từ bộ phận cơ thể mình sau khi qua đời, cho đến những chuyến xe thiện nguyện 0 đồng – tất cả vì những người đang chiến đấu với bệnh tật ngặt nghèo

Hội Tự nguyện Sống đẹp

Hội Tự nguyện Sống đẹp thành lập vào ngày 24/10/2020, gắn liền với gian hàng miễn phí (địa chỉ 22 Bùi Hiển, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), nhằm hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Với khẩu hiệu "Ai có thì mang đến, ai khó khăn thì đến nhận”, gian hàng đã trở thành nhịp cầu để gắn kết giữa người cho và người nhận.

Tuy nhiên ít ai biết rằng ngoài quyên góp và đi thiện nguyện khắp nơi, thì từ ngày thành lập tới nay, Hội Tự nguyện Sống đẹp vẫn luôn tích cực vận động cộng đồng tham gia hiến máu, hiến tạng. Trong hai năm, Hội đã tuyên truyền, vận động được 32 người tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng.

“Sau khi đăng ký hiến tặng, cô giáo Q. đã trải lòng với chúng tôi rằng, cô mong việc làm hôm nay sẽ là động lực, là tấm gương tốt cho con của cô học tập làm theo”, anh Võ Kiều Phước Khánh (sinh năm 1976, trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) - một thành viên trong Hội kể cho chúng tôi nghe về nghĩa cử cao đẹp của cô giáo T.T.Đ.Q (sinh năm 1985, ở tỉnh Quảng Nam) – người thứ 31 đã hưởng ứng tham gia đăng ký hiến tạng.

Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng ảnh 1
Hội Tự nguyện Sống đẹp được thành lập với 6 thành viên: Lê Hoàng Thanh Vũ, Nguyễn Trường Huy, Nguyễn Văn Cường, Võ Kiều Phước Khánh, Trịnh Quang Mẫn và Trương Văn Cường. (Ảnh: Hội TN sống đẹp)

Ý tưởng về chương trình vận động hiến tặng mô, tạng đã có từ trước khi Hội được thành lập. Tháng 11/2017, tình cờ trong một lần đến Bệnh viện Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1966, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng), sau này là Hội trưởng Hội Tự nguyện Sống đẹp, đã gặp một cháu bé bị suy thận giai đoạn cuối. Cảnh cháu bé phải vật lộn với bệnh tật đã khiến anh trăn trở suy nghĩ về những bệnh nhân suy tạng.

Một tháng sau, anh Cường đã quyết định làm thủ tục đăng ký hiến tặng mô, tạng.

“Cuộc sống và công việc của tôi cũng bình thường như bao người khác. Nhưng tình yêu thương của tôi luôn dành cho tất cả mọi người; đặc biệt hơn là các cháu, các em, bà con có hoàn cảnh khó khăn, các gia đình có người thân mắc bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, tôi nhận thức ra một điều: Khi tôi chết đi cần phải làm một việc gì đó có ý nghĩa để lại cho đời”, anh Cường trải lòng.

Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng ảnh 2

Anh Cường cùng vợ là người đầu tiên trong hội đăng ký hiến mô, tạng (Nguồn: Hội TN sống đẹp)

Không lâu sau vợ anh cũng đã tham gia đăng ký hiến tặng. Đến nay vợ chồng anh Cường đã hoàn thành thủ tục hiến tạng và hiến xác sau khi qua đời.

“Vậy là vợ chồng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm đối với bản thân và cộng đồng”, anh Cường chia sẻ. Việc làm đẹp này đã trở thành nguồn cảm hứng bắt đầu chương trình tuyên truyền cộng đồng tham gia hiến máu, hiến tạng của Hội Tự nguyện Sống đẹp.

Năm 2021, Hội tư vấn, vận động được 16 người tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng, và đến năm 2022 thì con số đã lên đến 32 người. Có những người có mong muốn được hiến tặng nhưng chưa biết bắt đầu như thế nào thì Hội sẽ giới thiệu để họ hiểu rõ hơn về hiến tạng và giúp đỡ họ thực hiện các thủ tục cần thiết.

Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng ảnh 3

Gian hàng miễn phí của Hội Tình nguyện Sống đẹp. Dù ngày nắng hay mưa, nơi đây luôn mở rộng cửa đón chào những vị khách tới “mua”. (Ảnh: Hằng Hà)

Được biết, thời gian sắp tới vợ chồng anh Võ Kiều Phước Khánh sẽ là những người tiếp theo đăng ký tham gia hiến tặng. “Tôi thì nghĩ rằng “cho đi là còn mãi”. Bởi khi tôi trao đi trái tim thì tôi đã giúp được một người, cho họ thêm cơ hội được sống. Khi tôi ra đi thì trái tim của tôi vẫn còn đập trong một cơ thể khác, sự sống vẫn được nối dài”, anh Khánh chia sẻ.

Xe cứu thương 0 đồng

Đi lên từ cuộc sống khó khăn, vợ chồng ông Trần Anh và bà Trần Thị Hải (ở thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) luôn thấu hiểu những phận đời cơ cực và từ đó cái tâm làm thiện nguyện đã theo ông bà suốt nhiều năm qua.

Từ lâu vợ chồng ông đã ấp ủ ý nguyện có một chiếc xe cứu thương để giúp người nhưng chưa đủ kinh phí, thế là cả vợ cùng chồng quyết tâm cùng nhau phấn đấu làm ăn. Năm 2021 khi kinh tế gia đình đã ổn định cũng là lúc dịch COVID-19 căng thẳng, ông bà quyết định mua xe để hỗ trợ miễn phí cho bà con gặp khó khăn trong việc di chuyển đến bệnh viện. Với kinh phí 950 triệu đồng, chiếc xe của ông bà được trang bị đầy đủ các trang thiết bị như oxy, tủ đồ y tế, nẹp,... để cứu hộ, ngoài ra còn có cho thuê oxy miễn phí cho những người cần.

Kể từ đó, chiếc xe cứu thương do ông Trần Anh cầm lái luôn trong tư thế sẵn sàng 24/24 để phục vụ những trường hợp cấp bách. Trung bình mỗi tháng ông chạy từ 40 – 50 lượt, chủ yếu là cấp cứu trong huyện và chuyển viện ra Đà Nẵng, Huế. Có những ca gọi lúc 1 – 2 giờ sáng nhưng chỉ vài phút sau ông Anh đã lái xe đến nơi. “Cứ điện thoại đổ chuông là tôi vừa cầm chìa khóa vừa nghe rồi chạy cấp tốc”, ông Trần Anh chia sẻ.

Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng ảnh 4
Chiếc xe cấp cứu 0 đồng là tâm huyết của cả 2 vợ chồng ông Anh

Ông kể có nhiều trường hợp dù biết trước là bệnh nhân sẽ không qua khỏi nhưng dù còn chút hi vọng cuối cùng thì ông vẫn cố hết sức đưa họ đến bệnh viện. Nhờ đó mà có những điều kỳ diệu đã xảy ra.

Ông vẫn không quên ca đưa cô gái ở xã Tam Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) bị sốc vắc-xin đến bệnh viện. Đường đi cực kỳ xấu, chiều đó trời lại mưa mù mịt, khi đến nơi đã thấy bệnh nhân đã sốc và co giật cứng cả người. Nhưng ông vẫn cố gắng chở bệnh nhân đi cấp cứu. Đi được nửa đường nhìn qua camera thấy bệnh nhân đã sùi bọt mép tưởng sẽ không qua khỏi, nhưng không ngờ khi đến bệnh viện cấp cứu, cô gái đó đã được cứu sống, hồi phục.

Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng ảnh 5

Ông Trần Anh và xe cứu thương 0 đồng luôn sẵn sàng 24/24 phục vụ những trường hợp cấp bách gặp khó khăn.

Không chỉ xe cứu thương 0 đồng, từ tháng 8/2022 đến nay, dãy trọ khang trang của vợ chồng ông Trần Anh và bà Trần Thị Hải được xem là ngôi nhà thứ 2 của 19 em học sinh trường THPT Nguyễn Huệ. Các em chủ yếu là người đồng bào Cor, sống ở những vùng xa của huyện Núi Thành. Năm học này, qua kết nối của chính quyền địa phương, các em được vợ chồng ông Anh hỗ trợ nơi ở trọ miễn phí.

Khu nhà trọ gồm có 6 phòng, mỗi phòng với diện tích 20m2 được trang bị đầy đủ tiện nghi. Trong căn phòng trọ ngăn nắp, sạch sẽ 2 chị em Trần Thị Bích Liên và Nguyễn Thế Hải (cùng trú tại xã Tam Trà, huyện Núi Thành) đang tranh thủ ôn bài sau giờ học buổi sáng. Quãng đường từ nhà tới trường của các em dài gần 25km, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên 2 chị em đi học còn nhiều thiếu thốn.

Từ hiến mô tạng đến xe cứu thương 0 đồng ảnh 6

Mỗi ngày bà Hải đều ghé qua dãy nhà trọ để tiện chăm lo cho các em.

“Ở xa xuống đây đi học, nhận được sự giúp đỡ của cô chú em rất mừng và biết ơn, vì mỗi tháng ba mẹ không còn lo chi phí ở trọ cho em nữa. Tuy là ở trọ miễn phí nhưng cô chú hay quan tâm và lo cho chúng em rất đầy đủ. Em dự định sẽ cố gắng học lên đại học để không phụ lòng cô chú”, Liên chia sẻ.

Theo bà Hải, vợ chồng bà coi các em như con cháu trong nhà nên muốn hỗ trợ các em hết mình để các em có động lực mà phấn đấu học tập. Ngoài lo các đồ dùng trong trọ và chi phí sinh hoạt điện nước hằng tháng, vợ chồng bà còn chuẩn bị thêm những chiếc xe đạp để các em tiện việc đi học.

Nói về việc làm thiện nguyện của hai vợ chồng, bà Hải bộc bạch: “Hai vợ chồng tôi trước đây cũng rất khó khăn phải tự bươn chải đủ nghề để kiếm sống nên rất hiểu tình cảnh của những người nghèo. Từ đó chúng tôi có tâm nguyện là phải giúp đỡ họ nhiều hơn. Bây giờ tôi chỉ mong hai vợ chồng có sức khỏe để làm thêm nhiều việc có ích”.

Vợ chồng ông bà dự tính nếu ổn định sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nhà trọ miễn phí này.

MỚI - NÓNG