Tư duy 'online'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những năm gần đây, khái niệm “mỏ vàng” không chỉ nơi chứa kim loại vàng nữa mà chính là sự tiếp cận thị trường đích, khi cung và cầu gặp nhau để giải quyết khâu tiêu thụ, tạo giá trị lợi nhuận cao. Thay vì người bán hàng, kẻ tiếp thị chật vật gặp từng khách hàng để chào mời, thì nay, việc này đã có thương mại điện tử lo.

Nhìn những hình ảnh bà con nông dân Việt một nắng hai sương khắc khoải bên đồng ruộng và gieo hy vọng trên từng chuyến xe chở nông sản xuất tiểu ngạch, để rồi gạt nước mắt khi đường biên bị đóng mà ngậm ngùi. Trong khi đó, nhiều năm trước, những nông dân Trung Quốc đã biết giao dịch trực tuyến sôi động trên mạng. Những trang thương mại điện tử Taobao, JD.com và Pinduoduo… hỗ trợ tối đa để sản phẩm nông nghiệp nước này tiếp cận thị trường. Cách làm phổ biến tới mức, ngay cả người già lẫn trẻ nhỏ cũng biết lên mạng bán hàng. Đó là chưa kể vô số những kênh tự quay trực tiếp trên mạng xã hội (riêng của Trung Quốc) bán hàng, chốt đơn. Trong việc này, cả “chủ chợ điện tử” lẫn người nông dân đều có lợi. Người bán được hàng giá hời, kẻ thu được phí giao dịch, người tiêu dùng dễ dàng mua thứ mình cần, nhà nước có kênh giám sát và thu thuế…

Nói như vậy để thấy, sắp đến mùa vải, mùa nhãn, mùa dưa hấu, hành tím…, cách làm của nông dân Việt không nên quá dựa dẫm vào con đường tiểu ngạch đầy rủi ro. Mới đây, nông dân mạn Bắc Giang, Hải Dương đã rục rịch “online” các sản phẩm sắp thu hoạch. Việc này, thực ra từ năm ngoái, một số nông dân thức thời công nghệ đã âm thầm làm. Ngay ở Đắk Nông, có anh đã biết bán hạt mắc ca thu vài tỷ đồng. Từ chỗ ế ẩm do Covid, mắc ca rớt đáy, nhờ thương mại điện tử, giá đã lập đỉnh. Một ông chủ vườn sầu riêng ngon nổi tiếng ở Đắk Lắk đã nhờ con (biết công nghệ) lên mạng xã hội đấu giá quả nặng gần 10kg. Tuy vậy, đa số những giao dịch này tự phát, manh mún nhỏ lẻ. Làm thương mại điện tử tốt nhất vẫn thuộc về doanh nghiệp lớn, có tư duy chiến lược. Còn lại, nếu sản phẩm không bán được, chỉ biết kêu gọi “giải cứu” hoặc đổ cho gia súc, gia cầm ăn…

Những khái niệm “kinh tế số”, “cách mạng 4.0” thực ra rất gần gũi. Nếu thực hiện tốt, một nông dân trồng cà phê ở Cầu Đất (Lâm Đồng)-nơi duy nhất ở Việt Nam được Starbuck đánh giá đạt chuẩn quốc tế và mua, có thể biết sản phẩm của mình đi những đâu trên thế giới. Người tiêu dùng Châu Âu ngồi dưới dân tháp Eiffel thưởng thức hạt Arabica Việt, nếu muốn truy nguồn đều biết ngay được trồng bằng thổ nhưỡng gì, độ cao bao nhiêu, chăm bón bằng thành phần nào, mỗi hạt đều tăm tắp ra sao… Việc này, những nhà làm rượu vang hay whisky nổi tiếng thế giới đã làm từ lâu.

Việc khai phá các “mỏ vàng” - thị trường mênh mông, đừng bắt nông dân tự xoay xở “online”. Chính quyền và cơ quan chức năng cần sâu sát hơn để mở rộng “băng thông”. Cổ súy “giải cứu” không phải là vai trò của chính quyền. Tư duy “online” không chỉ thể hiện tầm nhìn mở, chiến lược, mà còn hiện đại trong quản trị.

MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.