Xuất khẩu gạo đang gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
Gạo ST25 của Việt Nam liên tục bị các DN nước ngoài xin đăng ký bảo hộ thương hiệu
Gạo ST25 của Việt Nam liên tục bị các DN nước ngoài xin đăng ký bảo hộ thương hiệu
TP - Cước phí vận chuyển tăng cao khiến sản lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh. Còn thương hiệu “gạo ngon nhất thế giới” mà Việt Nam dày công xây dựng đang liên tiếp bị các doanh nghiệp (DN) nước ngoài rập rình đánh cắp thương hiệu.

Ngành gạo Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh rất gay gắt khi các nước đối thủ như Thái Lan và Ấn Độ liên tục điều chỉnh giá gạo xuất khẩu. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến phiên giao dịch ngày 3/5, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm mạnh so với ngày 26/3. Cụ thể, gạo 5% tấm có giá 483-487 USD/tấn (giảm 35 USD/tấn); gạo 25% tấm giá 458-462 USD/tấn (giảm 30 USD/tấn); gạo 100% tấm 423-427 USD/tấn (15 USD/tấn).

Một thương nhân xuất khẩu gạo tại Cần Thơ cho biết, hiện tại, gạo các nước như Thái Lan, Ấn Độ đã được điều chỉnh giá ở mức thấp, giúp họ chiếm ưu thế trên thị trường. Các DN Việt từ cuối quý 1/2021 tới nay cũng phải liên tục điều chỉnh giá gạo để cạnh tranh.

Về mặt thương hiệu, các loại “gạo ngon nhất thế giới” ST24 và ST25 của Việt Nam thời gian gần đây liên tục bị các DN nước ngoài rập rình bảo hộ thương hiệu. Sau vụ 4 DN Mỹ gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu loại gạo này, mới đây một DN tại Úc là Cty T&L Global Foods Supply PTY LTD cũng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST 24, ST 25 là gạo ngon nhất thế giới. Điều này không khỏi dấy lên lo ngại các thương hiệu gạo Việt đứng trước nguy cơ bị rơi vào tay DN nước ngoài.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, do tác động của dịch Covid-19, kế hoạch sản xuất của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng dẫn tới thị trường lúa gạo có sự biến động lớn. Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới đã phải mua gạo của Ấn Độ. Bangladesh, nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới cũng phải nhập khẩu gạo.

Còn với Việt Nam, ngành gạo đang đối mặt nhiều khó khăn khi thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất là Philippines dự báo sẽ giảm nhu cầu nhập khẩu từ mức 2,2 triệu tấn trước đó xuống 2 triệu tấn trong năm nay. Ngoài ra, tình trạng cước phí container tăng cao, giá gạo của các nước đối thủ liên tục cạnh tranh khiến nhiều DN đang chật vật.

Trước tình hình trên, ông Toản cho biết, bộ này đang triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành lúa gạo, trong đó tập trung nâng cao chất lượng gạo Việt Nam, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam tại các thị trường chính.

Theo ông Toản, hiện tại các bộ, ngành đã thống nhất thành lập tổ liên ngành về bảo vệ thương hiệu gạo ST24 và ST25. Trong tổ này có đại diện các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương; Bộ Khoa học và Công nghệ giao Cục Sở hữu trí tuệ là đơn vị chủ trì, xử lý. Các thương vụ Việt Nam tại Mỹ và Úc cũng đã vào cuộc để xem xét sự việc, tránh những tranh chấp có thể xảy ra làm ảnh hưởng đến việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Về thông tin cước phí container, vận chuyển tăng cao, ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị bộ này làm việc với các hãng tàu biển để họ tăng chuyến, tăng cường đưa container về Việt Nam, quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng các đại lý hãng tàu tăng giá, thu các khoản phí bất hợp lý, ảnh hưởng đến DN xuất nhập khẩu Việt Nam. Bộ Công Thương cũng kiến nghị các DN đẩy mạnh vận chuyển hàng hóa sang châu Âu bằng đường sắt để giảm phụ thuộc vào đường biển.

Việc thiếu hụt container rỗng đã đẩy giá cước vận chuyển tăng cao khiến không chỉ DN xuất khẩu gạo mà hàng loạt DN xuất nông, thủy sản khác của Việt Nam gặp khó khăn trong đàm phán với người mua.

MỚI - NÓNG