Tự chủ đại học: Vẫn 'nửa vời'

Tự chủ đại học: Vẫn 'nửa vời'
TPO - Hiện nay có 15 trường đại học trên cả nước thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên tổng số 436 trường, trong đó 219 trường đại học và 217 trường cao đẳng. Tuy nhiên, theo chuyên gia về quản lý giáo dục, tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn “nửa vời”, nhút nhát và chưa thành hình.

Vẫn còn trói buộc trong tự chủ tài chính?

Vào tháng 3/2014, Văn phòng Chính phủ đã thông qua đề xuất của Bộ GD&ĐT thực hiện thí điểm tự chủ hoạt động và tài chính (giai đoạn 2014-2017) ở một số trường đại học nhằm tìm hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của giáo dục đại học dần thoát khỏi sự bao cấp của nhà nước.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Ngọc Thảo Trang, trường ĐH Tài chính- Marketing cho rằng, việc tự chủ đại học cho đến nay vẫn là nửa vời đi ngược với xu hướng thế giới.

Về tự chủ trong tài chính, ThS Thảo Trang cho rằng, tài chính là điều kiện quan trọng góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đào tạo đại học.

Cũng từ năm 2005, Bộ GD&ĐT đã giao cho 5 trường ĐH công lập thực hiện thí điểm tự chủ về tài chính, tự đảm bảo 100% chi phí thường xuyên như một doanh nghiệp nhà nước, và có thể tự xây dựng định mức chi cao hơn quy định nhà nước.

Tuy vậy, nguồn thu học phí hệ chính quy vẫn phải tuân theo các định mức khung theo quyết định 70 và nghị định 49. Điều nghịch lý là đối với trường ĐH được giao tự chủ thì nhà nước lại không khống chế việc chi mà khống chế mức thu. Bất cập đó đã khiến các trường công lập phải tận dụng mọi phương cách để tăng nguồn thu, từ việc mở rộng hệ tại chức đến các chương trình liên kết nước ngoài, chương trình chất lượng cao.

“Vì vậy, Nhà nước cần mạnh dạn để các trường ĐH thí điểm tự thu tự chi hoàn toàn và chỉ đứng với cương vị giảm giá sát.”- ThS Thảo Trang cho biết.

ThS Trương Minh Trí, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, bước đầu đã có sự chủ động tự chủ về tài chính, nhưng mới chỉ được tự chủ ở mức độ rất hạn chế, phần phu vẫn còn nhiều trói buộc, nhất là về học phí.

Hiện nay, học phí là vấn đề bức xúc với các trường. Học phí của nước ta quá thấp, chậm thay đổi, với mức học phí như hiện tại thì không thể bù chi phí đào tạo, các trường sẽ phải cạnh tranh về mức học phí trong tương quan với chất lượng đào tạo để thu hút sinh viên. Mức học phí do các trường tự quyết định.

Các trường vẫn chưa tự tin

Bộ GD&ĐT chủ trương từ năm 2013 sẽ giao cho các trường trọng điểm, trường năng khiếu thí điểm tự chủ trong tuyển sinh. Tuy nhiên, thông điệp này được các trường đón nhận khá dè dặt. Các trường cho rằng Bộ GD&ĐT cần có cơ chế để điều phối chung các trường ĐH, CĐ trong hệ thống. Thậm chí, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng cho biết nếu được lựa chọn, họ không có chủ trương tự mình ra đề và sẽ vẫn chọn… “ba chung”.

“Nó cho thấy các trường chưa sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh và chưa tự tin vào năng lực cạnh tranh của mình. Họ vẫn muốn tận dụng những ưu thế của trường công lập thay vì chấp nhận cạnh tranh tự do và công bằng trong thế giới phẳng”- ThS Thảo Trang- trường ĐH Tài chính- Marketing cho biết.

ThS Trương Minh Trí, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng, hoạt động đào tạo gồm các nội dung như: tuyển sinh, ngành đào tạo; chương trình, giáo trình đào tạo; phương pháp giảng dạy mà tuyển sinh là một khâu quan trọng của quá trình đào tạo.

Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta Bộ lại đang quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho từng trường: “Nên chăng Bộ trao quyền quyết định chỉ tiêu tuyển sinh cho nhà trường. Các trường tự quyết định chỉ tiêu đào tạo, báo cáo Bộ và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để xã hội cùng giám sát chất lượng đào tạo”.

Cũng theo ThS Trương Minh Trí, quá trình để trường mở một ngành đào tạo mất nhiều thời gian phức tạp, khó khăn.

“Thật khó để tìm được lý do giải thích cho việc một chuyên viên của Bộ có ý kiến quyết định ngành nào trường được mở thay cho cả Hội đồng khoa học của trường. Hãy coi nhà trường như một doanh nghiệp, việc mở ngành đào tạo nào do trường quyết định giống như doanh nghiệp tự quyết định đầu tư sản xuất một sản phẩm mới”- ThS Trương Minh Trí nói.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.