Tự chủ Đại học: Nỗi lo học phí tăng

Tự chủ đại học kèm theo nỗi lo học phí tăng đối với sinh viên Ảnh: Diệp An
Tự chủ đại học kèm theo nỗi lo học phí tăng đối với sinh viên Ảnh: Diệp An
TP - Một trong những nội dung khiến người học lo lắng nhất khi các trường đại học (ĐH) được tự chủ là tăng học phí. Dự thảo Nghị định thu chi đối với các cơ sở giáo dục vừa được đưa ra lấy ý kiến cho thấy rất rõ lộ trình tăng học phí đối với các trường ĐH nói chung và các trường được tự chủ nói riêng. 

Hơn 80% nguồn thu từ học phí

Tại hội thảo “Tự chủ ĐH - Từ chính sách đến thực tiễn” vừa được tổ chức, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, cho rằng, tác động tiêu cực rõ nét nhất của tự chủ ĐH là dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục ĐH chỉ chú trọng vấn đề tự chủ tài chính. Từ đó, bằng mọi giá tăng nguồn thu qua học phí khi Nhà nước thay đổi cách thức sử dụng ngân sách và các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục ĐH, không bao cấp dàn trải như trước. Điều này có khả năng dẫn đến việc các trường bỏ qua trách nhiệm xã hội, đồng thời, có thể khiến người nghèo mất đi cơ hội sử dụng dịch vụ giáo dục ĐH.

GS.TS Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội, nói rằng, vấn đề quan tâm nhất là cách tính học phí của các trường ĐH hiện nay. Theo ông Bình, để tính học phí, cần dựa vào chi phí đào tạo ra một sinh viên. Đây là cách thế giới đang làm, nhưng ở Việt Nam, không có cơ quan nào hướng dẫn các cơ sở giáo dục ĐH về cách tính.

Về định mức kinh tế - kỹ thuật (là quy định được Bộ GD&ĐT hướng dẫn các trường từ năm 2014), rất khó để áp dụng cho giáo dục vì đây là một lĩnh vực đặc thù. Báo cáo giám sát của UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho thấy, về chính sách học phí, hầu hết các trường mới được tự chủ chưa xác định phương thức tính chi phí đào tạo; trong khi khung học phí của Nhà nước hướng dẫn chưa tính đúng, tính đủ mức chi phí thực tiễn cần thiết để bảo đảm chất lượng đào tạo. Các hướng dẫn, cũng như căn cứ để xây dựng khung học phí, bao gồm định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với từng nhóm ngành, chuyên ngành đào tạo còn chưa được tính toán một cách đầy đủ, khoa học, phù hợp thực tiễn.

Ông Hoàng Đức Long, ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn thu của các trường còn hạn chế vì chủ yếu thu từ học phí, lệ phí và thường phụ thuộc kết quả tuyển sinh hằng năm. Do đó, học phí có tăng đạt mức trần quy định của Nghị định 86 (18,5 triệu đồng đối với chương trình đại trà) cũng chỉ đủ bù khoản chỉ tiêu tuyển sinh không đạt hoặc giảm so với năm trước.

Riêng khoản thu từ hoạt động dịch vụ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu và lại chia sẻ cho người học (phải lập các quỹ hỗ trợ sinh viên), vì vậy, tổng thu được sử dụng cho hoạt động chuyên môn của trường bị thu hẹp. Khi phải tự chủ cả chi đầu tư, kinh phí hoạt động còn lại sẽ eo hẹp hơn. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài và TS. Trần Bá Linh, ĐH Kinh tế TPHCM, mới đây thực hiện một báo cáo gửi UBVHGDTNTN&NĐ về chuyên đề học phí. Theo nhóm nghiên cứu, trong vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường ĐH tại Việt Nam hiện nay, học phí là một nội dung quan trọng, chiếm hơn 80% nguồn thu của hệ thống.

Tính thế nào cho đủ?

Trong nghiên cứu, hai tác giả đặt ra 3 nguyên tắc để xây dựng học phí cho các trường ĐH khi thực hiện tự chủ là chất lượng đào tạo, tính cạnh tranh và sự công bằng xã hội. Hiện nay, cách tính, thu học phí còn nhiều bất cập, chủ yếu do thiếu sót hoặc thiếu nhất quán về một triết lý cho mục đích thu. “Việc thu học phí hiện chủ yếu hướng đến tồn tại (dựa vào tính đúng, tính đủ định mức kinh tế - kỹ thuật), chứ chưa có yếu tố phát triển”, GS. Hoài nhận định. Theo ông, cần có triết lý về mục đích thu học phí để tránh  tình trạng các cơ sở giáo dục chạy theo đồng tiền, tận thu của sinh viên và dồn ngân sách vào tuyển sinh để có thể thu học phí nhiều hơn. Triết lý về mục đích cũng giúp từng trường định hướng việc sử dụng học phí, tránh đầu tư dàn trải và sự tùy tiện trong quyết định dẫn đến rủi ro về cân đối thu chi hoặc ảnh hưởng tiêu cực cho người học.

Nhóm nghiên cứu đánh giá chất lượng đào tạo để có cơ sở quan trọng xác định mức học phí gồm đánh giá quá trình (thông qua kiểm định) và kết quả. Việt Nam đã triển khai kiểm định từ nhiều năm nay, nhưng lại đang khuyết việc đánh giá kết quả. Nhóm của GS. Hoài cho rằng, về nguyên tắc cạnh tranh, vấn đề không đơn giản là giảm học phí mà phải nằm ở tương quan chất lượng đào tạo với học phí, để người học nhận được giá trị nhiều nhất cho số tiền họ chi ra. Tính cạnh tranh giúp nhà trường năng động, chú ý đến nhu cầu của thị trường hơn, tránh tình trạng đào tạo trong tháp ngà. Điều này cũng giúp các trường không đầu tư dàn trải mà tập trung vào thế mạnh của mình.

Tuy nhiên, cạnh tranh chắc chắn sẽ có mặt tối. Các hình thức cạnh tranh không lành mạnh, như quảng cáo dối, dùng tài nguyên vào các giá trị không thực chất, dùng truyền thông tấn công đối thủ… đều gây hậu quả lớn cho xã hội và làm mất uy tín Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế giám sát cạnh tranh.

Một nhược điểm khác của cạnh tranh là sẽ có những ngành chi phí đào tạo quá cao, khiến học phí quá khả năng thị trường (ví dụ ngành y), hoặc chỉ có số ít người học sẵn sàng chi trả (các ngành khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản). Đây lại là những ngành không thể thiếu cho sự phát triển đất nước, nếu cứ để các trường tuân theo quy luật cạnh tranh thì có thể dẫn tới một nền giáo dục ĐH khiếm khuyết.

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài và TS. Trần Bá Linh nhận định, Việt Nam chưa có quy trình đánh giá và thông tin chất lượng đào tạo, đặc biệt là đánh giá kết quả cho thị trường. Cộng với việc mới áp dụng tự chủ học phí, việc tùy tiện đưa ra mức học phí là khó tránh khỏi. Các cơ quan quản lý nên theo dõi sát sao và yêu cầu giải trình nếu có dấu hiệu tiêu cực, và xử lý nếu cần thiết.

MỚI - NÓNG