Tự chủ đại học: Không phải muốn làm gì cũng được

TP - Sau nhiều năm phụ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh, năm nay có sự điều chỉnh nên tuyển sinh ĐH cũng điều chỉnh theo. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, hiệu trưởng trường ĐH Giáo dục - ĐH quốc gia Hà Nội, tự chủ luôn phải đi liền với trách nhiệm pháp lý.
Tự chủ đại học: Không phải muốn làm gì cũng được ảnh 1

GS.TS Nguyễn Quý Thanh

Có ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục ĐH 2018 cho phép các trường được “hoàn toàn tự chủ”, đặc biệt là tự chủ về học thuật. Do vậy, việc tổ chức tuyển sinh như thế nào là quyền của trường. Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?

“Tự chủ hoàn toàn” chỉ có khi trường ĐH hoạt động trong một môi trường “chân không” của các quan hệ pháp luật. Thế nhưng, trường ĐH là một dạng tổ chức xã hội, cho nên, nó không thể tách rời khỏi hành lang pháp luật chi phối hoạt động của nhà trường, trong đó có hoạt động đào tạo. Những ranh giới pháp luật rộng hay hẹp sẽ xác định mức độ tự chủ như thế nào. Khung pháp lý về tự chủ này không phải chỉ nằm gọn trong Luật Giáo dục ĐH, mà còn trong các pháp luật liên quan khác của Việt Nam.

Do đó, việc thực hiện quyền tự chủ luôn gắn với trách nhiệm pháp lý với các quyết định quản lý được đưa ra. Quyền càng cao, trách nhiệm pháp lý càng lớn. Đó là mối quan hệ không thể tách rời. Ví dụ, nếu trường tuyên bố chỉ tuyển thí sinh nam, hay nữ, thì cũng sẵn sàng chịu các chế tài vì có thể việc đó vi phạm Luật Bình đẳng giới. Cho nên, muốn thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, nhà trường vẫn phải tham chiếu đến những quy định của Nhà nước ở các lĩnh vực có liên quan xem phạm vi hành động “được phép” và “không được phép” đến đâu. Tự chủ là khi các trường không phải hỏi, không phải xin phép cho mỗi hành động, bởi vì, các yêu cầu đã được qui định một cách rõ ràng trong các văn bản pháp lý liên quan.

Theo ông, để đáp ứng các yêu cầu tự chủ thi tuyển, các trường ĐH nên làm gì?

Muốn tự chủ tốt thì cần có năng lực thực hiện quyền tuyển sinh. Đó là sự hiểu biết, kinh nghiệm và các kỹ năng thực tế trong xây dựng dạng thức đề làm sao đánh giá được các năng lực cốt lõi, mức độ sẵn sàng để học ở bậc ĐH, phát triển câu hỏi và ngân hàng câu hỏi đảm bảo cả về nội dung và kỹ thuật ra đề là những yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công. Vì vậy, muốn tự chủ thi tuyển riêng, các trường nên đầu tư bài bản để đào tạo, phát triển đội ngũ đảm bảo mọi khâu trong quy trình thi tuyển. Có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, quy trình, quy chế… Điều này trước hết là vì uy tín của chính nhà trường, tiếp đó là thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội khi thực hiện tự chủ tuyển sinh.

Năm nay, nhiều trường bắt đầu chuẩn bị thi tuyển sinh riêng. Vậy theo ông, khi nào thì các trường ĐH nên tự tổ chức thi tuyển sinh riêng?

Dù theo quy định hiện hành của Luật Giáo dục ĐH 2018, các trường được tự chủ quyết định hình thức tuyển sinh, nhưng khi còn “kỳ thi ba chung” và kỳ thi THPT Quốc gia, hầu hết các cơ sở giáo dục ĐH đều không tổ chức kỳ thi riêng, mà sử dụng kết quả các kỳ thi do Bộ GD&ĐT tổ chức cùng một số hình thức xét tuyển khác như qua điểm học bạ, điểm các bài thi chuẩn hóa quốc tế. Năm nay, do một số thay đổi ban đầu trong phương án tổ chức và dạng thức bài thi THPT, nên đúng là có một số trường chuẩn bị phương án tổ chức kỳ thi riêng. Nhưng, đến thời điểm này, như tôi biết, số lượng các trường quyết định tổ chức thi tuyến sinh riêng còn rất ít.

Tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng là công việc rất phức tạp. Vì vậy, thường các trường cũng cân nhắc nhiều yếu tố. Nhưng, yếu tố quan trọng nhất là nhà trường chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ cán bộ chuyên trách về khảo thí, ngân hàng câu hỏi đã được kiểm định, hệ thống phần mềm riêng cho kỳ thi như thế nào. Nếu chuẩn bị không kỹ lưỡng, có thể xảy ra những sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào cũng như uy tín của trường.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG