Tứ bề thịt bẩn, gia cầm lậu

Thịt bẩn tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe vẫn hằng ngày tuồn vào TPHCM Ảnh: L.N
Thịt bẩn tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe vẫn hằng ngày tuồn vào TPHCM Ảnh: L.N
TP - Bất chấp các tỉnh lân cận TPHCM xuất hiện dịch cúm gia cầm, và mới đây một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 được phát hiện ở Bình Dương, số gia cầm trái phép, thịt bẩn vẫn đổ về thành phố.

> Ngộ độc, tai nạn giao thông gia tăng

Thịt bẩn tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe vẫn hằng ngày tuồn vào TPHCM Ảnh: L.N
Thịt bẩn tiềm ẩn mối nguy hại cho sức khỏe vẫn hằng ngày tuồn vào TPHCM. Ảnh: L.N.

Thịt bẩn tràn vào các cửa ngõ

Gần như ngày nào Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng phát hiện thịt các loại không đạt vệ sinh chảy vào thành phố. Bà Đặng Thị Tuyết- Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, từ đầu năm đến nay nơi đây phát hiện hơn 60 vụ vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trái phép vào thành phố.

“Chúng tìm đủ cách để vận chuyển thịt bẩn vào thành phố bằng nhiều phương tiện từ xe máy, xe ba gác đến xe khách và cả xe tải với nhiều chiêu thức tinh vi”- bà Tuyết cho biết.

Tại trạm kiểm dịch Thủ Đức, chỉ trong 2 tuần trở lại đây đã phát hiện 19 trường hợp vận chuyển thịt và nội tạng bẩn vào thành phố. Theo đó, đã có hơn 1,3 tấn thịt bò và phụ phẩm bò, 1,5 tấn thịt heo và phụ phẩm heo và hàng trăm con heo, gà không kiểm dịch được thu giữ và tiêu hủy.

Bà Tuyết cho biết, sau khi kiểm tra chặt các xe khách từ các tỉnh vào thành phố, lượng thịt vận chuyển trên phương tiện này giảm, nhưng ở xe tải và xe gắn máy tăng lên.

Mới đây, Trạm phát hiện xe tải biển số 60C-03063 do tài xế Nguyễn Quốc Phượng, ngụ tại Đồng Nai vận chuyển gần 600 kg thịt heo và 86 kg phụ phẩm heo không có nguồn gốc, số thịt và phụ phẩm đã bốc mùi hôi thối.

Theo tài xế Phượng, thịt và phụ phẩm heo này được giao về cho một cơ sở sản xuất lạp xưởng ở Tân Phú. Một xe tải khác do tài xế Nguyễn Hữu Hiền ở Đồng Nai đã vận chuyển 570 kg phụ phẩm bò trong tình trạng bốc mùi, không giấy tờ kiểm dịch đưa đến một cơ sở chế biến ở Hóc Môn để bỏ mối cho các quán ăn.

Không chỉ lượng động vật và sản phẩm động vật tuồn vào TPHCM qua cửa ngõ Thủ Đức, mới đây Trạm Thú y Hóc Môn phối hợp với Quản lý thị trường huyện này xử lý 14 trường hợp kinh doanh vận chuyển động vật trái phép, thu giữ hàng trăm ki lô gam thịt bẩn và sản phẩm động vật mất vệ sinh.

Trong khi đó, Tổ kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh phát hiện và tiêu hủy 18 trường hợp giết mổ gia cầm và vận chuyển thịt các loại trái phép vào thành phố.

Điển hình là vụ xe ba gác vận chuyển hơn 200 kg thịt trâu từ miền Tây lên thành phố để giao cho một nhà hàng tại huyện Bình Chánh. Số thịt trâu bị tiêu hủy do bốc mùi hôi thối.

Điểm giết mổ gia cầm trái phép của chủ cơ sở Nguyễn Thị Thúy ở ấp 6 xã Vĩnh Lộc An, Bình Chánh bị phát hiện Ảnh: L.N
Điểm giết mổ gia cầm trái phép của chủ cơ sở Nguyễn Thị Thúy ở ấp 6 xã Vĩnh Lộc An, Bình Chánh bị phát hiện. Ảnh: L.N.

Ngang nhiên gia cầm lậu

Sẽ cưỡng chế hộ chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, do dịch cúm gia cầm vẫn còn trong tầm kiểm soát nên chỉ nhắc nhở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiểu về tác hại của dịch cúm gia cầm đối với sức khỏe con người.

Tuy nhiên, nếu tình hình dịch phức tạp, sẽ tăng cường các biện pháp kiên quyết và kể cả cưỡng chế những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngoài ra, Chi cục Thú y TPHCM áp dụng biện pháp phạt tiền tại chỗ các hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép nhằm tránh tình trạng các chủ cơ sở bị xử phạt bỏ trốn.

Bất chấp các tỉnh lân cận TPHCM xuất hiện dịch cúm gia cầm, và mới đây một bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 được phát hiện ở Bình Dương, số gia cầm trái phép vẫn đổ về thành phố.

Tại các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, quận 7; đường Phạm Hùng, quận 8; khu vực Chợ Cầu Xáng, ngã 3 Quách Điêu huyện Bình Chánh; chợ tự phát An Nhơn, chợ Cầu thuộc quận Gò Vấp… gia cầm sống không nguồn gốc, không kiểm dịch vẫn bày bán công khai.

Tại ngã tư cầu Đa Khoa ở đường Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Thị Thập, quận 7, gà vịt sống bày bán ở ngoài đường. Khi người dân có yêu cầu, các chủ bán gia cầm làm thịt gà tại chỗ.

Theo bà Đặng Thị Tuyết, Trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết: “Đã có hơn 10.000 con gia cầm lậu được phát hiện trong 10 ngày qua. Đa số chúng được vận chuyển bằng xe máy và che chắn cẩn thận để qua mắt lực lượng chức năng”.

Hôm qua 26-2, ông Khương Trần Phúc Nguyên-Trưởng Trạm Thú y huyện Bình Chánh cho biết: Tổ kiểm tra liên ngành huyện vừa phát hiện hành vi thu gom, giết mổ và vận chuyển gia cầm trái phép ở hộ kinh doanh gia cầm do bà Nguyễn Thị Thúy ở tổ 1, ấp 6, xã Vĩnh Lộc A làm chủ.

Số gia cầm mổ lậu tại cơ sở này lên 1,8 tấn đều có nguồn gốc từ Long An và không được kiểm dịch.

Theo Chi cục Thú y TPHCM, hiện mỗi ngày thành phố tiêu thụ khoảng 120.000 con gia cầm, hơn 3,5 triệu trứng gia cầm và khoảng 250 tấn gia cầm nhập khẩu.

Ông Huỳnh Tấn Phát- Chi Cục phó Chi Cục Thú y TPHCM cho biết, số gia cầm hầu hết từ các tỉnh đưa về. Do đó, nếu không có các biện pháp phòng chống tích cực, việc xuất hiện dịch bệnh rất dễ xảy ra khi dịch cúm gia cầm đã lan ra 11 tỉnh, thành.

Hải Phòng: 7 xã, phường có cúm gia cầm

Hải Phòng - Chiều 26-2, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng cho biết, đến nay Hải Phòng có 7 xã, phường của các huyện Kiến Thụy, An Dương, Tiên Lãng, Thủy Nguyên và quận Dương Kinh bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1. Gần 8 nghìn con gia cầm ốm, chết bị tiêu huỷ.

Liên tiếp trong các ngày qua, Hải Phòng có thêm các ổ dịch cúm A (H5N1) mới. Ngày 24-2, hơn một nghìn gia cầm ở xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên) bị ốm và chết.

Các mẫu xét nghiệm đều dương tính với vi-rút cúm gia cầm H5N1... Tất cả số gia cầm này đều bị tiêu hủy theo quy định. Các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng, dập dịch được Hải Phòng triển khai quyết liệt. 

Lam Khê

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.