Từ bản nội quy 'rắn' của trường Lương Thế Vinh: Có nên kỷ luật không trừng phạt?

Từ bản nội quy 'rắn' của trường Lương Thế Vinh: Có nên kỷ luật không trừng phạt?
TPO - Câu chuyện trường Lương Thế Vinh đưa ra nội quy khá nghiêm khắc trong khi phụ huynh hoàn toàn có quyền đòi hỏi nhà trường phải cung cấp dịch vụ giáo dục tốt đã thành cuộc tranh cãi lớn: vậy có nên “yêu cho voi cho vọt”, nên kỷ luật tình thương hay kỷ luật trừng phạt?      

Kỷ luật, bần cùng mới phải sử dụng đến

Nhiều thầy cô giáo, lãnh đạo các trường cũng như các nhà giáo dục sau khi nghiên cứu nội quy mới của Trường Lương Thế Vinh tỏ ra đồng ý khi cho rằng nhiều học sinh bây giờ hư, thiếu tôn trọng bạn bè và giáo viên, việc kỷ luật như vậy là phù hợp.

Là một cô giáo chủ nhiệm của học sinh lớp 8 tại Hà Nội, cô Đ.T. T, một giáo viên của một trường THCS của huyện Hoài Đức, Hà Nội cho rằng, cô ủng hộ việc nhà trường có nội quy cho học sinh và việc phạt học sinh trong trường hợp cụ thể khi vi phạm phải “lao động công ích” là cần thiết.

Cô T cũng cho rằng, thực tế cô đã có áp dụng thưởng- phạt nghiêm minh với học sinh của mình. Nhẹ là học sinh tự nhận sau buổi học là quét sân trường, giặt giẻ lau bảng mà nặng như đánh nhau thì phải mời bố mẹ đến gặp cô giáo chủ nhiệm.

“Giáo viên vẫn phải có hình thức phạt, nhưng đó là điều bần cùng sử dụng đến vì có lúc áp dụng hình phạt đôi khi không hiệu quả và còn phản tác dụng. Có những lúc, giáo viên tự cho học sinh chọn hình thức phạt của chính mình”- cô giáo này nhấn mạnh.

Trước ý kiến trước việc nội quy của trường “cấm” học sinh không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt hay học sinh tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu người khác, chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung.

Cô Đ.T.T cũng cho rằng, trong mấy năm làm chủ nhiệm, cô từng chứng kiến nhiều học sinh chửi nhau, đánh nhau thậm chí đánh ghen chỉ vì mấy câu vu vơ nói trên mạng xã hội. Cô T cũng thừa nhận, nội quy trường công lập như của trường cô không hề được cụ thể hóa hay nghiêm khắc như trường Lương Thế Vinh. 

“Nhưng việc áp dụng biện pháp thì chính giáo viên chủ nhiệm cần linh hoạt. Còn việc nội quy cũng như kỉ luật được coi là hà khắc hay bao dung cũng phụ thuộc vào quan điểm của từng người. Học sinh phạm lỗi, ngay đầu tiên giáo viên chưa chắc đã phạt luôn mà chỉ nhắc nhở nhưng sau vẫn tái phạm thì bắt buộc phải sử dụng biện pháp mạnh hơn. Chúng tôi xác định kỷ luật để học sinh ngoan hơn chứ không phải để trừng phạt”- giáo viên này nhấn mạnh.

Kỷ luật hà khắc trong nhà trường không phải là cách giáo dục có văn hóa

TS Nguyễn Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, dư luận nổi sóng đa phần không đồng tình của cách thức giáo dục, đặc biệt kỷ luật vượt quá mức cho phép. 

Trong các ý kiến phản đối có cả ý kiến của các phụ huynh từng có con theo học và có cả học sinh cũ của trường nay đã thành đạt không đồng tình về cách thức giáo dục mà trường Lương Thế Vinh (LTV) đã và tiến hành nhiều năm nay.

TS Vinh cũng cho rằng, việc kỷ luật học sinh trong quan hệ "bất đối xứng" hoàn toàn dễ dàng không mấy khó khăn trong bất kỳ trường lớp nào. Có thể sử dụng các biện pháp khá cực đoan như dọa dẫm, phạt lao động công ích, bêu khuyết điểm của học sinh vi phạm trước lớp, hoặc có thể liên tục thông báo cho gia đình...

Các cháu còn nhỏ tuổi chưa thể phân biệt được cái đúng hay cái sai trong hành vi như người trưởng thành vì vậy mọi kỷ luật ở mức quá cần thiết đều có thể để lại những di chứng cho trẻ trong những năm tháng học ở nhà trường và sau này. 

Tuy nhiên, cũng theo TS Vinh, còn có hình thức khác mà một số nhà giáo dục gọi là kỷ luật tích cực là động viên, khuyến khích, hỗ trợ, nuôi dưỡng lòng ham học dẫn đến ý thức kỷ luật một cách tự giác, nâng cao năng lực và lòng tin của học sinh và thầy cô, thể hiện sự tôn trọng trẻ có văn hóa, mang tính giáo dục cao và những phê bình trẻ dễ tiếp thu hơn. 

"Nói cách khác đó là hình thức kỷ luật phòng ngừa không trừng phạt”- TS Vinh nhấn mạnh.

TS Vinh ý kiến, nghiên cứu nội quy mới đây của nhà trường, TS Vinh đâ phần đồng ý tuy nhiên có vài chỗ cần điều chỉnh.  Ví dụ, học sinh đi muộn 5 phút thì phải lao động công ích trong thời gian còn lại của tiết học, hết sức phản cảm và đó không phải là biện pháp giáo dục tích cực đối với học sinh và luật pháp không cho phép nhà trường được hành xử như vậy. 

"Đó là sự vi phạm pháp luật trong giáo dục và việc này sở GD&ĐT Hà Nội nên chấn chỉnh sớm và quán triệt trong các trường toàn thành phố”- TS Vinh nói.

TS Vinh cho rằng, việc kỷ luật học trò khi trò vi phạm thì dễ hơn là giúp cho trò trường thành bằng lòng nhân ái. Vì gieo lòng nhân ái chúng ta sẽ gặt hái được lòng nhân ái trong tương lai.

MỚI - NÓNG