Từ ẩn ức đến lễ hội

Nghi lễ phồn thực Trò trám ở Tứ Xã (Phú Thọ) nguyên bản phải diễn ra trong tối, nay đã đưa ra ánh sáng. Ảnh: internet
Nghi lễ phồn thực Trò trám ở Tứ Xã (Phú Thọ) nguyên bản phải diễn ra trong tối, nay đã đưa ra ánh sáng. Ảnh: internet
TP - Thay vì đả phá những lễ hội kỳ quặc của quá khứ, có lẽ chúng ta nên xây dựng những lễ hội có ý nghĩa với chính chúng ta hôm nay. Bài viết hưởng ứng bài "Độc đáo hay kỳ quặc" trên Tiền Phong số 33, ra ngày 2-2.

> Độc đáo hay kỳ quặc?

Nghi lễ phồn thực Trò trám ở Tứ Xã (Phú Thọ) nguyên bản phải diễn ra trong tối, nay đã đưa ra ánh sáng. Ảnh: internet
Nghi lễ phồn thực Trò trám ở Tứ Xã (Phú Thọ) nguyên bản phải diễn ra trong tối, nay đã đưa ra ánh sáng. Ảnh: internet .

Mỗi lễ hội hình thành từ một ý tưởng và niềm tin của cộng đồng từ xa xưa. Ý tưởng đó nhiều khi cũng khá là kỳ quái và niềm tin thì tất nhiên là... “siêu hình”. Chẳng hạn lễ hội ném đá ở làng Vân Luông (Phú Thọ) xuất xứ từ việc đuổi thú dữ. Thế rồi chả hiểu sao lại phải bắt người thật đóng giả thú dữ để chịu ném đá. Nói chung con người nhiều khi cũng khá giống thú dữ đấy, nhưng bây giờ thì đúng là chả còn hổ báo để mà đuổi nữa, nên lễ hội đó e rằng đã mất tính thời sự từ lâu.

Có một số người tỏ ra bức xúc với lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh). Nhưng thực tình mà nói hầu hết chúng ta đang ăn thịt lợn hàng ngày nên có há miệng kêu thì cũng hơi mắc quai. Chém lợn giữa bàn dân thiên hạ trong ngày hội có lẽ cũng không dã man hơn bao nhiêu so với mổ nhiều con lợn trong lò mổ khuất mắt trông coi?

Về đẳng cấp “thú dữ” của con người in dấu vào lễ hội phải kể đến ngày hội tàn sát cá heo ở Faroe (Đan Mạch). Cả một vùng bờ biển đỏ lòm vì máu của hàng trăm con cá heo nhất thiết phải bị phanh ruột trong ngày được gọi là hội của dân săn cá heo. Dư luận quốc tế đã lên tiếng phản đối, hy vọng ngày “địa ngục” của loài cá heo sớm chấm dứt, nếu dứt rồi thì may quá. Còn chúng ta, trong khi chờ đợi thú tính của con người giảm dần, có lẽ nên bắt đầu từ việc chẳng hạn giảm
ăn thịt?

Lễ hội nhiều khi là dịp để cộng đồng giải tỏa những ẩn ức tâm lý. Mà ẩn ức của loài người có lẽ chủ yếu được quy về không bạo lực thì tình dục.

Một trong nhiều lễ hội có yếu tố phồn thực ở vùng Kinh Bắc do nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Diện dẫn từ sách Địa phương chí tỉnh Bắc Ninh qua tư liệu Hán Nôm (GS Đinh Khắc Thuân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội- 2009): “Xã ấy vào ngày 11 tháng 2 có lệ nhập tịch tế thần… Tế xong, toàn dân cùng ăn uống ở đình. Đến chiều tối, mướn ca kỹ đến hát hầu thần ở đình. Ca kỹ hát ở chính giữa đình. Hai bên đình là chỗ trai gái đến xem hát. Nếu con trai thấy con gái đứng chỗ nào thì người con trai cũng đến chỗ đó đứng… thân người con trai sát thân người con gái, tay người con trai điểm vào ngực người con gái…”.

Rồi suốt đêm ấy, trong khi ca kỹ hát, đôi trai gái nào thuận tình dắt nhau ra ngoài đình ngủ với nhau thì tùy, nhưng đã ở trong đình nhất thiết phải có màn “điểm ngực” như trên, nếu không làng xã sẽ sinh chuyện cãi vã, ẩu đả.

Có thể những ngày hội nhạy cảm trong quá khứ sẽ không được đón chào trong đời sống hôm nay, nhưng ẩn ức thì còn lâu mới phai. Không có hội ôm nhau nhưng karaoke ôm, bia ôm thì ngày nào cũng có. Vâng, vậy là chúng ta văn minh, tiến bộ hơn các cụ ở các món đi kèm- như karaoke hay bia.

Ngày thường người ta cũng đánh nhau. Vậy thì ngày hội có nên tiếp tục đánh nhau như ở Đông Sơn, Thanh Hóa nữa không?! Không hiểu đánh nhau ngày hội có gì khác đánh nhau ngày thường. Hay chỉ riêng việc đánh nhau nhân danh lễ hội cảm giác cũng đã “phê” khác thường, nên lễ hội đó mới được duy trì đến giờ này. Tóm lại, con người vẫn cứ phải dần dần mới thoát khỏi những ẩn ức, hay là có ẩn ức chẳng muốn thoát.

Thay vì băn khoăn với những ẩn ức, với quá khứ, sao chúng ta không tạo ra những lễ hội cho hiện tại, thể hiện ý tưởng và niềm tin của chúng ta hôm nay. Chẳng hạn Tết trồng cây mà Bác Hồ phát động từ 1959 hoàn toàn có thể trở thành lễ hội lớn, cấp quốc gia, vì ý nghĩa và tác dụng thiết thực mà nó đem lại trong hoàn cảnh con người đã thấm thía sự quan trọng của môi trường xanh.

Trong ngày hội đó, mỗi người có thể trồng mới một cây từ rau cỏ trở đi, hoặc chăm sóc cây trong khu vực, hoặc rủ nhau đến những vùng đất trống đồi trọc để trồng cây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG