Từ 2018: Người đi bộ gây tai nạn có thể bị phạt tù đến 15 năm

Người tham gia giao thông đi qua đường không có vạch kẻ đường, biển báo. Ảnh: Thanh Hà.
Người tham gia giao thông đi qua đường không có vạch kẻ đường, biển báo. Ảnh: Thanh Hà.
TP - Nội dung này được quy định tại Khoản 3 Điều 260, Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2018. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xử phạt trong đó có người đi bộ lên tới 15 năm tù nếu gây hậu quả nghiêm trọng là quá nặng, tuy nhiên một số người lại đồng tình với quy định này.

Trong Điều 260 “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” thì nội dung không còn bó hẹp trong phạm vi những người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ, mà còn được mở rộng ra về người tham gia giao thông đường bộ (bao gồm người đi bộ).

Theo đó, khoản 3 nêu rõ phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Trước đó, đầu năm 2016, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT – PC67) Hà Nội đã triển khai kế hoạch tăng cường xử lý vi phạm giao thông với người đi bộ. Người vi phạm sẽ bị lực lượng CSGT các đội chốt trực phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 50.000 - 120.000 đồng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, hiện nay tại nhiều tuyến đường ở Thủ đô vẫn nhan nhản tình trạng người đi bộ vi phạm giao thông như  tuyến đường Giải Phóng, Chùa Bộc, Tây Sơn…, nơi có hàng rào sắt cao hơn 1m ngăn cách ở giữa dải phân cách nhưng một số người vẫn cố tình trèo sang đường. Tại các tuyến đường Phạm Hùng, Nguyễn Xiển, Cầu Diễn... được triển khai xây dựng hầm dành cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn thờ ơ không đi qua do phải đi bộ xa hơn.

Theo luật sư Xuân Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), trước đây, chủ thể của tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” trong Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 1999 chỉ có thể là “Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, tại Điều 260 BLHS năm 2015 thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự được mở rộng tối đa. Cụ thể không chỉ có chủ phương tiện tham gia giao thông mới có thể gây tai nạn mà bất cứ ai tham gia giao thông. Không thể cứ tình trạng, người đi bộ thì vô can, người điều khiển mới có tội.

“Đối với trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, mặc dù mức chế tài xử phạt không thay đổi so với Điều 202 BLHS năm 1999 như vậy là phù hợp, đủ để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bởi lẽ, trong trường hợp gây tai nạn giao thông, những người có hành vi vi phạm thường thực hiện hành vi với lỗi vô ý (nếu là lỗi cố ý thì cần xem xét xử lý bằng các tội danh khác), do vậy việc áp dụng hình phạt tù với họ là rất nghiêm khắc. Và mức phạt lên tới 15 năm tù là rất nghiêm khắc, đủ sức răn đe, phòng ngừa chung” - luật sư Cường nói.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh - Giám đốc Cty Luật Minh Bạch cho rằng, hậu quả của hành vi vi phạm khi tham gia giao thông của người tham gia giao thông đều xuất phát từ lỗi vô ý, ngoài mong muốn của người vi phạm. Do vậy, việc trừng phạt nghiêm khắc đối với họ phải cân nhắc để phù hợp với các tình tiết thực tế của vụ việc. Chính vì thế, tôi cho rằng với mức phạt cao nhất của tội danh này là 15 năm tù tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng đã đảm bảo tính răn đe đối với những trường hợp tham gia giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

“Đặc biệt, hình phạt trong luật hình sự thì chủ yếu là mang tính chất răn đe, cảm hóa là chính chứ không nhằm trừng phạt người phạm tội. Cho nên, dù mức hình phạt quy định chung là như vậy nhưng trong những vụ án cụ thể thì việc áp dụng còn phải căn cứ vào nhiều tình tiết khác như tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” - luật sư Tuấn Anh nói.

Liên quan đến vấn đề trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, mức xử phạt người vi phạm là người đi bộ lên tới 15 năm tù là quá nặng và không hợp với thực tiễn hiện nay khi hạ tầng giao thông của chúng ta đang yếu kém.

MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.