Hiện người dân đang băn khoăn về thủ tục đăng ký biển số xe máy điện, theo ông khi đi đăng ký người dân cần phải có giấy tờ gì và đến đâu?
Theo Thông tư 15 vừa được Bộ Công an ban hành, sau khi xác định là xe máy điện, chủ phương tiện cần có các giấy tờ kèm theo như hóa đơn đỏ, tờ khai đăng ký, chứng nhận đăng kiểm xe an toàn và nếu là xe chuyển nhượng, cho tặng cần có thêm giấy tờ chuyển nhượng đến các điểm đăng ký mô tô, xe máy tại quận, huyện nơi mình sinh sống làm thủ tục đăng ký biển số.
Chủ phương tiện lưu ý, trong các loại giấy tờ này thì chứng nhận đăng kiểm xe an toàn là quan trọng nhất vì nó có liên quan đến nhiều giấy tờ khác về sau. Giấy này do Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT cấp. Để có được chứng nhận đăng kiểm xe an toàn xe xuất xưởng hoặc nhập khẩu phải qua Cục Đăng kiểm kiểm định chất lượng. Khi đã có chứng nhận đăng kiểm xe an toàn tức là xe đã có nguồn gốc xuất xứ, lúc này các cơ quan như Thuế, đăng ký biển số… sẽ căn cứ vào đó để thu phí trước bạ, cấp biển số lưu hành.
Hiện hầu hết các cửa hàng bán xe máy điện rất ít khi có chứng từ đỏ và chứng nhận xe xuất xưởng an toàn, vậy làm thế nào để người dân có được các giấy tờ trên?
Theo quy định tất cả các cửa hàng buôn bán xe máy, xe máy điện phải có hóa đơn đỏ và giấy chứng nhận xe xuất xưởng/ nhập khẩu an toàn. Tuy nhiên để gọn nhẹ, bán được hàng nhanh lại ít phải trả thêm chi phí, các cửa hàng xe máy điện thường không đưa các giấy tờ trên hoặc viện lý do để từ chối khách. Để đảm bảo là xe an toàn và làm được các thủ tục pháp lý về sau… khi mua xe máy điện người dân cần hỏi các giấy tờ này, nếu cửa hàng không có thì không nên mua.
Dư luận cho rằng xe máy điện không có số máy, số khung nên sẽ rất khó đăng ký biển số, CSGT giải quyết khó khăn như thế nào?
Xe máy điện có động cơ nhưng khác với xe máy, động cơ của xe này chạy bằng nguồn điện lưu trữ. Tuy nhiên đã là máy thì xe phải có mã số hoặc mã vạch để theo dõi, mã số của xe máy điện ở đây được đánh ở khung (số khung). Khi xe được đưa ra thị trường, cơ quan quản lý sẽ dựa vào đây để kiểm định, quản lý, cấp biển số. Đã là xe điện đúng tiêu chuẩn thì không có xe nào là không có số khung. Do vậy sau khi chủ phương tiện có đầy đủ 3 loại giấy tờ trên, đơn vị đăng ký sẽ cà (soi) số khung để cấp biển số như xe máy. Qua các thông số kỹ thuật mà chúng tôi được biết, xe máy điện đủ các điều kiện để cấp biển số và CSGT không gặp khó khăn gì.
Nếu được cấp đăng ký biển số như xe máy, biển số xe máy điện sẽ có sêri 5 số và ký hiệu địa phương là 29, 30… thưa ông?
Xe máy điện được cấp biển số với kích thước, mầu sắc như biển xe máy. Tuy nhiên ký hiệu địa phương của xe máy điện sẽ khác với xe máy. Cụ thể, nếu xe máy Hà Nội có các ký hiệu là 29, 30: B1, C1, R1… thì xe điện sẽ là MĐ1. Từ ký hiệu này các đội đăng ký xe trên địa bàn thành phố sẽ phân bổ kho số từ 000.01 đến 999.99.
Ngoài phí đăng ký như xe máy, để đăng ký được biển số chủ xe còn phải đóng thuế trước bạ, ông cho biết phí trước bạ của xe máy điện là bao nhiêu?
Do xe có tốc độ, công suất và được cấp biển số như xe máy nên phí trước bạ cũng được tính theo giá trị của xe được quy định tại Thông tư 124-Bộ Tài chính. Ví dụ xe có giá trị 10 triệu, nếu phí trước bạ tại khu vực Hà Nội 5% thì chủ xe phải nộp cho cơ quan thuế thêm 500 nghìn đồng.
Cảm ơn ông!