Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật (JAXA) sử dụng sóng vi ba và truyền tải 1,8 kilowatt điện qua không khí đến một mục tiêu ở cách xa 55 m.
"Đây là lần đầu tiên con người có thể truyền tải gần hai kilowatt điện qua sóng vi ba đến một mục tiêu nhỏ, sử dụng thiết bị điều khiển định hướng", AFP hôm qua dẫn lời người phát ngôn của JAXA nói.
Dù năng lượng chỉ đủ đun sôi một ấm đun nước và khoảng cách không lớn, thành công này được coi như một bước nhảy vọt trong việc phát triển các nguồn năng lượng mới. Các nhà khoa học nhận định, thí nghiệm có thể mở đường cho hoạt động khai thác nguồn năng lượng Mặt Trời vô tận trong không gian và truyền về Trái Đất.
Theo RT, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và các vệ tinh khác có thể thu nhận năng lượng Mặt Trời và sử dụng nó để duy trì hoạt động. Lợi ích nguồn này là khả năng cung cấp vĩnh viễn trong mọi điều kiện thời tiết hay thời gian trong ngày.
Trong nhiều năm qua, JAXA đã nghiên cứu dự án SSPS với mục tiêu xây dựng một nhà máy cung cấp năng lượng bằng cách thu thập ánh sáng Mặt Trời trong quỹ đạo địa tĩnh. SSPS sẽ truyền sóng vi ba từ độ cao 36.000 km đến một bề mặt phẳng có đường kính ba km.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết họ cần xử lý nhiều thách thức về mặt công nghệ trước khi SSPS hoàn thành. Theo người đứng đầu nghiên cứu Yasuyuki Fukumuro, dự án có thể thực hiện khoảng năm 2040.