Truyền hình giá rẻ ?

Truyền hình giá rẻ ?
TP - Liên tiếp trong gần một tháng qua, thị trường truyền hình trả tiền nhận được tín hiệu vui khi hàng loạt doanh nghiệp thực hiện khuyến mãi, giảm cước thuê bao và giá thiết bị. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, thay vì đến hẹn lại tăng giá, thị trường truyền hình trả tiền có sự giảm giá mạnh từ các ông lớn đang nắm giữ vị thế độc quyền.

Thế nhưng, việc các kênh truyền hình giảm cước, không hoàn toàn vì muốn thể hiện “lòng tốt” với các Thượng đế.

Dù có gần 40 doanh nghiệp tham gia cung cấp nhưng thị trường vẫn đang là cuộc chơi theo kiểu một mình một ngựa. Sau 10 năm ra đời của truyền hình cáp, tương quan lực lượng thể hiện rõ qua vị thế độc quyền cũng như quyền tăng giá mà các đơn vị chiếm thị phần lớn nhất đã thể hiện. 

Cụ thể, trong hơn 3 năm trở lại đây, cước phí thuê bao truyền hình cáp đã tăng giá 3 lần. Ngay cả mức tăng trưởng xấp xỉ 25% mỗi năm cũng chủ yếu nằm trong tay hai đại gia là VTV (hiện chiếm tới 70% thị phần truyền hình cáp cả nước) và HTVC, nắm 15%. 15% ít ỏi còn lại chia cho các doanh nghiệp còn lại.

Áp lực đè nặng lên những ông lớn đang giữ vị thế “độc tôn”. Sự lung lay vị thế thể hiện rõ khi Viettel tuyên bố sẽ đưa ra các gói cước với mức giá thấp nhất ở mức 30.000 - 40.000 đồng/tháng. Việc giảm giá, về bản chất, là các nhà đài buộc phải thực hiện nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến khốc liệt về giá dự kiến sẽ diễn ra trong năm nay.

Mảnh đất truyền hình màu mỡ là điều dễ thấy. 2,5 tỷ USD (tương đương 54.000 tỷ đồng) doanh thu được ghi nhận trong năm 2012. Chính vì vậy mà lần lượt các ông lớn ngành viễn thông đang lân la chiếm lĩnh thị trường này. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi cũng rất thận trọng. Có người khẳng định, bắt tay chia sẻ bản quyền với Viettel, FPT Telecom hay VNPT đều là lựa chọn sai lầm. Bắt tay chia sẻ hôm nay đồng nghĩa sẽ nhận lấy cái kết xấu trong tương lai. Bài học thị trường viễn thông đã thể hiện rõ điều này.

Cựu giám đốc một kênh truyền hình trả tiền thừa nhận, cạnh tranh trong lĩnh vực truyền hình trả tiền ngày càng khốc liệt. Các số liệu về thuê bao, doanh thu của nhiều nhà đài đang rất ảo. Điều này cũng dễ hiểu. Càng nhiều người chơi, miếng bánh càng bé, lợi nhuận càng ít đi. 

Cạnh tranh tăng lên, chi phí gia tăng nhưng các nhà đài vẫn phải tuyên bố đang “khỏe”, thậm chí rất khỏe. Rất hiếm nhà đài dám thừa nhận đang phải đối mặt với tình trạng thuê bao rời mạng, thuê bao ảo gia tăng. 

Có doanh nghiệp khi tham gia thị trường, bị lỗ tới cả tỷ đồng/ngày. Có doanh nghiệp, sau 5 năm bỏ ra số tiền khủng, thu về khoản lợi nhuận đầu tiên vỏn vẹn 50 tỷ đồng. Thị trường truyền hình trả tiền khắc nghiệt là điều thấy rõ.

Ở khía cạnh tiêu dùng, đây có lẽ là lần đầu tiên, các thuê bao truyền hình trả tiền được đón nhận “làn gió mới” giảm cước. Và có lẽ, xu hướng giảm cước sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới khi thị trường có thêm FPT Telecom và VNPT cùng tham gia. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các ông lớn chỉ tung gói cước rẻ để câu khách vào lúc ban đầu. Khi đã lớn mạnh, giống như bài học về đầu tư 3G trước đây, giá cước lại sẽ bị đẩy lên... Dù sao, giấc mơ về một tương lai truyền hình giá rẻ vẫn thường trực và khách hàng luôn hy vọng nó sẽ là hiện thực.

MỚI - NÓNG