Ngày 8/8, ông Phạm Phi Long – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong ngày Cục Thú y (thuộc Bộ NN&PTNT) sẽ đến hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương để lấy mẫu sinh phẩm xác định nguyên nhân chính xác khiến nhiều con bò chết bất thường.
Số bò sữa chết vẫn đang tăng |
Theo ông Long, bệnh tiêu chảy thường trực trên bò, tuy nhiên khi đưa kháng nguyên của một loại vắc xin vào thì khả năng gây yếu con vật và tạo nên những bệnh kế phát, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cao hơn.
"Chúng tôi vẫn chưa khẳng định được việc tiêm vắc xin vào đã gây ra các triệu chứng tiêu chảy ra máu, bỏ ăn, tụt sữa... tại hai huyện. Việc này phải chờ kết quả kiểm tra của Cục Thú y", ông Long chia sẻ.
Loại vắc xin viêm da nổi cục tiêm cho bò ở 2 huyện Đơn Dương, Đức Trọng |
Liên quan đến việc Cty CP thuốc thú y Trung ương NAVETCO (trụ sở tại Bình Dương) có đấu thầu đúng quy định không, ông Long cho biết, việc cung ứng vắc xin cho người dân được thực hiện theo Luật Đấu thầu. Các đơn vị phải có vắc xin đã được thử nghiệm và cấp phép lưu hành mới đủ điều kiện đấu thầu và cung ứng cho nông dân tiêm phòng. “Vì vậy, đợt đấu thầu năm 2024, Cty CP thú y trung ương Navetco trúng thầu chứ không phải công ty cung cấp vắc xin trước đây”, ông Long nói.
Nhiều hộ mừng vì quên tiêm vắc xin
"Trong cái rủi có cái may", nhiều hộ dân tại huyện Đức Trọng đang vui mừng vì bận việc, quên không tiêm vắc xin nên những đàn bò của họ vẫn đang khoẻ mạnh, ăn uống bình thường.
Theo ông Võ Văn Thiện (SN 1978, trú xã Hiệp Thạnh), ngày 23/7, nhân viên thú y mang vắc xin đến cho gia đình và dặn mỗi con bò tiêm 2cc vắc xin NAVET-LPVAC. Tuy nhiên, do bận nên ông chưa tiêm vắc xin cho bò được. Thế nên, đàn bò 60 con của gia đình ông vẫn bình yên vô sự.
Hơn 60 con bò đã chết trên địa bàn 3 xã của 2 huyện này |
Tương tự, trước đó, hộ chị Nguyễn Thị Diễm Kiều (SN 1985, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng) được nhân viên thú ý xã mang vắc xin đến nhưng cả nhà bận đi làm không có ở nhà. Vì vậy đàn bò 45 con nhà chị vẫn chưa tiêm. “Giờ bò vẫn khỏe mạnh, nghe người dân nói bò bị tiêu chảy ra máu, bỏ ăn, tụt sữa nên tôi đã trả lại vắc xin cho nhân viên thú ý xã”, chị Kiều chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ của ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương có khoảng 3.000 con bò mắc các triệu chứng trên. Trong đó có hơn 60 con bò đã chết trên địa bàn 3 xã của 2 huyện này.