Sự việc xảy ra tại thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng) và các xã Tu Tra, Quảng Lập, Ka Đô (huyện Đơn Dương, Lâm Đồng). Hiện hàng ngàn con bò sữa khác trên địa bàn 2 huyện này cũng đang có triệu chứng bỏ ăn, tụt sữa, tiêu chảy.
Bò chết không rõ nguyên nhân gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân |
Sáng nay 7/8, nhiều hộ dân đã tập trung tại nhà văn hóa thôn Bồng Lai để yêu cầu chính quyền địa phương có phương án giải quyết tình trạng bò sữa chết và mắc các triệu chứng trên sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan (trú thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) nuôi bò sữa 14 năm, nhưng đây là lần đầu tiên thấy bò bị như thế này. Theo bà Loan, ngày 24/7, đàn bò của gia đình được tiêm phòng vắc xin NAVET-LPVAC phòng bệnh viêm da nổi cục. Khoảng 7 ngày sau, đàn bò vẫn ăn bình thường nhưng bị tụt sữa. Mấy ngày tiếp theo, bò có triệu chứng bỏ ăn, tiêu chảy, ra máu rồi lăn ra chết.
“Đàn bò 17 con của tôi đã chết 2 con, 1 con đang rất yếu. Sau khi xảy ra vụ việc, bên thú y mới chỉ đưa cho tôi một chai thuốc sát trùng. Sáng nay 7/8, ngành thú ý vẫn chưa đưa ra được nguyên nhân dù được báo cách đây 15 ngày", bà Loan cho hay.
Bà Loan thông tin, loại vắc xin đợt này khác với loại gia đình sử dụng 2 năm trước. Hiện những con bò khác được tiêm vắc xin mới này cũng đang có triệu chứng lờ đờ, ăn ít, tiêu chảy.
Tương tự, đàn bò sữa 28 con của bà Lê Thị Ánh Hồng (trú thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thạnh) được địa phương hỗ trợ tiêm vắc xin 26 con, 2 con bê nhỏ không tiêm. Sau 3-4 ngày, 26 con bò lớn xuất hiện tình trạng tụt sữa, còn 2 bê nhỏ bình thường. Vài ngày tiếp theo, bò xuất hiện tình trạng bỏ ăn, tiêu chảy ra máu.
Đàn bò xuất hiện tình trạng tiêu chảy, sốt, rồi chết |
Liên quan đến vụ việc trên, ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết, từ ngày 31/7, Chi cục đã nhận được thông tin từ Trung tâm Nông nghiệp huyện Đơn Dương về việc xuất hiện biểu hiện bệnh tiêu chảy trên đàn bò sữa, sau đó kiệt sức và chết.
Chi cục đã cùng các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế tại các hộ nuôi bò sữa có biểu hiện trên. Qua kiểm tra các đàn bò bị bệnh thì đều xuất hiện chung triệu chứng tiêu chảy, tiêu chảy ra máu, bỏ ăn, sốt cao rồi chết. Sau đó, Chi cục hướng dẫn người dân bổ sung các loại thức ăn (rơm khô, cỏ khô, khoáng, vitamin) khi bò bị tiêu chảy.
"Chúng tôi đã kiểm tra nguyên nhân, tác nhân khiến bò bị tiêu chảy. Tuy nhiên, việc bò sữa xuất hiện các triệu chứng trên rồi chết sau khi tiêm vắc xin, chúng tôi vẫn chưa thể khẳng định được. Trong ngày 8/8, Cục Thú y sẽ đến Lâm Đồng để hỗ trợ lấy mẫu, xác định nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên", ông Long cho hay.
Được biết, toàn thôn Bồng Lai có 146 hộ đang nuôi bò, với tổng đàn bò gần 3.500 con; trong đó bò sữa hơn 2.800 con. Hiện có hơn 80% hộ nuôi bò trên địa bàn thôn đã tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục.