Trường học ở Đắk Lắk: Nơi thừa chỗ thiếu

Lớp học ghép 2+4 ở phân hiệu 1, thôn Nà Ven.
Lớp học ghép 2+4 ở phân hiệu 1, thôn Nà Ven.
TP - Ở Đắk Lắk, có trường học xây xong không có người học. Trong khi đó, nơi cần phòng học lại thiếu, học sinh phải đi học nhờ, gây khó khăn cho việc giảng dạy, ảnh hưởng chất lượng đào tạo.

Lớp học ở hội trường

Từ tháng 10/2015 học sinh 2 lớp (5 và 2) trường tiểu học Lý Tự Trọng, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phải chuyển sang học ở hội trường tổ dân phố 9, phường Tân Tiến vì lý do trường thiếu phòng học.

Cô Lê Kim Diên, hiệu trưởng trường cho biết: Trước đây phòng học vẫn đủ. Nhưng từ năm 2014-2015 số lượng học sinh tăng lên nhanh do cơ chế tuyển sinh theo địa bàn. Năm 2015 - 2016 toàn trường có 739 học sinh chia thành 21 lớp. Nếu cho học 1 buổi/ngày, nhà trường vẫn sắp xếp được. Tuy nhiên phụ huynh khối 1 muốn con em học 2 buổi/ngày, đồng thời nhà trường cũng có nhu cầu tăng tiết bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khối 5 chuẩn bị thi cuối cấp nên làm đơn gửi UBND phường Tân Tiến mượn hội trường của tổ dân phố mở lớp học tạm.

Hội trường nằm sát trường chính, có đầy đủ bàn ghế, điện nước, sân chơi, tường rào, ánh sáng... đảm bảo điều kiện tối thiểu cho dạy và học. Tuy nhiên phòng học thấp hơn so với tiêu chuẩn, ngày nắng quạt chạy hết công suất vẫn nóng. Cô Trần Thị Kim Phương, giáo viên dạy lớp 5A ở hội trường cho hay: Mỗi lần triển khai dạy giáo án điện tử gặp rất nhiều khó khăn. Giáo viên phải vận chuyển máy chiếu từ trường chính sang lắp đặt vừa mất thời gian vừa coi chừng kẻ trộm. Giờ giải lao, học sinh chỉ được chơi quanh sân nhỏ, không có thư viện đọc sách...  mỗi đợt sinh hoạt tập thể nhà trường phải chuyển học sinh về trường, lúc thi cử, giáo viên khác chạy sang coi... rất bất tiện.

Trước yêu cầu cấp thiết, UBND thành phố Buôn Ma Thuột đã đồng ý đề xuất xây thêm 10 phòng học của Trường tiểu học Lý Tự Trọng vào năm 2017.

Phân hiệu trường chỉ có 6 học sinh

Giữa chốn đồng không mông quạnh phân hiệu 1 thuộc Trường tiểu học Nguyễn Du ở thôn Nà Ven, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) luôn trong tình trạng “đói” học sinh. Năm học 2015 - 2016 phân hiệu có 6 em học từ lớp 1 đến lớp 4. Nhà trường phải ghép 2 lớp học chung một phòng phân công 2 giáo viên giảng dạy.

Theo tìm hiểu, phân hiệu thành lập được 5 năm nhưng vẫn không có điện nước, không cây che bóng mát, không tường rào bảo vệ. Trường có 2 phòng học, 1 phòng nghỉ cho giáo viên, 1 nhà vệ sinh, tất cả hiện đang hoen gỉ, xuống cấp nghiêm trọng… Học sinh ở đây đều là con em người Kinh di cư từ nhiều nơi đến lập nghiệp. Do khí hậu khắc nhiệt, đất đai cằn cỗi, người dân lại bỏ xứ đi. Phân hiệu cách điểm trường chính chừng 6 cây số, đường đi khó khăn nên dù sĩ số học sinh không quá 10 em, vẫn phải duy trì.

Thầy Hoàng Quốc Hội, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du cho biết: Không riêng phân hiệu ở thôn Nà Ven đang gặp khó mà ngay cả trường chính và phân hiệu thứ 2 cũng khổ đắng. Trường chính có 473 học sinh trong đó 90% là con em người đồng bào Ê đê. Tường rào, nhà để xe cho học sinh, giáo viên không có,... Phân hiệu 2 nằm ở thôn 9 xã Ea Wer cách trường chính 6 cây số chủ yếu là con em người Mường theo học với 79 học sinh từ lớp 1 đến 5, thành lập từ năm 2009 đến nay vẫn chưa có điện, nhà trường phải kéo nhờ nhà dân bơm nước phục vụ sinh hoạt.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.