Bà Thùy cho biết, năm 2012 Hà Nội đã thông qua quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn từ mầm non đến trung học chuyên nghiệp (TCCN). Thành phố đang hiện thực hóa quy hoạch này, tuy nhiên tình trạng tăng dân số cơ học dẫn đến quá tải vẫn đang diễn ra đặc biệt là các trường mầm non trong các quận nội thành cũ. Ngoài nguyên nhân tăng dân số cơ học còn có nguyên nhân từ phía chủ quan của phụ huynh học sinh muốn chọn trường tốt, trường điểm…
Hà Nội đã có nhiều giải pháp. Ví dụ, đối với mầm non, thành phố đã cho xây dựng nhiều trường. Với 6 phường “trắng” trường mầm non, Hà Nội đã “phủ” kín. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì vẫn trong tình trạng quá tải. Ngành giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp giảm tải như phân tuyến học sinh, phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập. Lãnh đạo thành phố xác định được nguyên nhân nhưng do điều kiện trước mắt chưa giải quyết được. Trong nhiệm kỳ mới sắp tới, Thành ủy Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch chỉ tiêu xây dựng trường học mới. Các chỉ tiêu này sẽ được cụ thể hóa tại Nghị quyết 5 năm của thành phố.
Theo khảo sát của Tiền Phong, hiện Hà Nội có cả trăm trường học quy hoạch treo, ý kiến của bà về vấn đề này?
Vấn đề này đã được chúng tôi giám sát đầu nhiệm kỳ trước. Tình trạng này đúng là đã xảy ra và Ban VHXH đã có kiến nghị thành phố cần sớm có biện pháp xử lý. Trong đó, với những nơi thiếu trường học, đề nghị rà soát đất trong khu đô thị để bàn giao xây dựng trường công lập. Nhiều nơi đã thực hiện được như khu đô thị Việt Hưng. Nhưng nhiều nơi, các chủ đầu tư không muốn bàn giao khu đất này cho chính quyền địa phương trong khi chính họ cũng chưa xây trường! Thành phố đã có một đợt tổng rà soát tình trạng này. Nhưng có một thực tế, nhiều khu đô thị chưa có người đến ở dù đã được bàn giao nhà. Không có người đến ở thì chưa xây được trường. Vì trường học xã hội hóa nên đầu tư phải có hiệu quả. Lấp đầy những dự án treo cần phải có thời gian và hài hòa lợi ích giữa các bên. Trong các trường thuộc dự án treo, gần như 100% các trường ngoài công lập. Trường công lập được xây mới sẽ không nhiều, chủ yếu là sửa chữa và nâng cấp.
Nhưng có nhiều khu đô thị đã rất đông dân nhưng vẫn chưa xây trường?
Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, việc bỏ hoang cả trăm khu đất dành xây dựng trường có trách nhiệm của thành phố khi đã có phần buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết với các chủ đầu tư. “Tại sao thành phố rà soát, xử lý nhiều mà tình trạng này vẫn diễn ra?”, ông Nghiêm đặt câu hỏi.
Điều này là có. Ở đây có trách nhiệm của chủ đầu tư khu đô thị. Nhà đầu tư vẫn muốn ôm đất nhưng lại chưa biết khi nào triển khai. Tôi nghĩ nếu có người học thì các chủ đầu tư sẽ xây trường. Tuy nhiên, sẽ có giai đoạn giao nhau giữa đáp ứng nhu cầu của người học và quyền lợi của chủ đầu tư. Trong quan niệm của chủ đầu tư, xây trường học không phải là việc “cháy nhà chết người”! Trước đây lớp học 40 học sinh, giờ 45 học sinh vẫn chấp nhận được. Còn nếu mở trường mới, chủ đầu tư phải tính toán. Với chủ đầu tư, đất không đẻ ra thêm, còn trường 5 năm sau xây vẫn chưa muộn nên họ muốn giữ đất.
Như vậy là chính quyền bất lực trước các nhà đầu tư, thưa bà?
Đây là hai mặt của một vấn đề. Xu hướng hiện nay là xã hội hóa giáo dục. Nếu sức ép lớn thì phải lấy đất về xây trường công lập, còn lại phải hài hòa mục đích. Yêu cầu đầu tiên là người học phải có chỗ học, thứ hai nhà đầu tư phải có hiệu quả, thứ ba phải đúng xu hướng phát triển. Với giáo dục công lập, Chính phủ đã có Nghị quyết tinh giản biên chế, chuyển đơn vị giáo dục công lập sang tự chủ hoàn toàn. Hà Nội vẫn đảm bảo ở mức tăng sỹ số đến mức cho phép. Ví dụ trong điều lệ trường học, sỹ số là 35, 40 học sinh/lớp thì sỹ số cho phép ở mức nào đó, không thể tăng sỹ số đến 70 học sinh/lớp.
Trong quá trình giám sát, bà nhận thấy sỹ số các trường trong nội đô của Hà Nội vượt quá mức cho phép khoảng bao nhiêu phần trăm?
Chúng tôi chưa làm thống kê đầy đủ. Nhưng nếu lấy mẫu của các đơn vị đi giám sát thì tỷ lệ rất thấp. Theo chủ quan tôi nhận định tỷ lệ này khoảng 1/20.
Hà Nội có bao nhiêu trường mất chuẩn vì sức ép sỹ số học sinh, thưa bà?
Trong quá trình đi giám sát xây dựng chuẩn, một trong những nguyên nhân mất chuẩn liên quan đến thời điểm đánh giá. Người Việt có tâm lý chọn năm tốt để sinh con. Có thể thời điểm đánh giá lúc đó không vượt nhưng năm sau lại vượt. Đó cũng là bài toán khó đối với ngành giáo dục.
Một mình sở GD&ĐT không giải quyết được vấn đề này. Các sở ban ngành phải đồng thời vào cuộc mạnh mẽ. Cho đến giờ, vấn đề khó nhất đối với xây trường học ở Hà Nội vẫn là đất.
Cảm ơn bà!