Trường dạy nghề ở Việt Nam cần được nâng cấp

Trường dạy nghề ở Việt Nam cần được nâng cấp
TP - Có thể gặp nhiều sinh viên Việt Nam với những câu chuyện thú vị tại Melbourne (Australia). Những câu chuyện dẫn dắt người nghe trở lại với vấn đề dạy nghề ở Việt Nam.

Vốn là một Cty tư vấn du học, chủ yếu đưa học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học ở các trường đại học Anh , Mỹ, Úc… nhưng trong chuyến đi này, IEC (Cty Tư vấn du học Quốc Anh) lại chú trọng tới các trường nghề.

Bà Đào Liên Hương - Giám đốc Cty - cho biết: Sau mùa tuyển sinh, không phải học sinh nào cũng vào được Đại học sự lựa chọn của họ là các trường nghề.

Đó là lý do chúng tôi tiếp cận các trường nghề của xứ sở căng-gu-ru, nơi dường như đang có một làn sóng mới các học sinh ngoại quốc, trong đó có học sinh Việt Nam đổ về.

Họ không chỉ là những học sinh trượt Đại học mà có cả chủ doanh nghiệp. Từ đầu năm 2008, việc cấp visa vào Australia đã có vẻ dễ hơn, điều kiện về tài chính, bảo lãnh cũng nhẹ nhàng hơn nên số lượng học sinh Việt Nam sang Australia tăng mạnh, trong đó còn phải kể đến yếu tố quan trọng là hàng năm chính phủ Australia dành nhiều học bổng cho các thủ khoa Đại học, các  giảng viên Đại học của Việt Nam và họ cũng là cầu nối giáo dục giữa hai nước.

Bà Hương nhấn mạnh: Trong điều kiện hiện thuận lợi như hiện nay, học sinh Việt Nam có thể qua Australia học từ cấp THPT, rồi học liên thông lên cao đẳng và đại học, và vì có thể bắt đầu học tập từ cấp phổ thông nên yêu cầu tiếng Anh cũng thấp hơn, học sinh của ta, vốn có điểm yếu là tiếng Anh, dễ bề theo học hơn.

Anh Tuấn (TPHCM)  đã có một cơ ngơi riêng trong nước và từng là giám đốc của một doanh nghiệp thành đạt. Tuy đã tốt nghiệp Đại học, anh vẫn sang Australia học thêm chuyên ngành quản lý nhà hàng khách sạn. Lý do của anh thực đơn giản: Muốn thành đạt trong kinh doanh, cần phải cập nhật kiến thức mới để tính chuyện làm ăn lớn hơn.

Anh nhận xét: phương pháp giảng dạy ở Australia hoàn toàn khác  khiến học sinh phải tự chủ động, mày mò sáng tạo chứ không rập khuôn máy móc. Khác với ở VN, ở Australia, người ta trang bị cho học sinh những kiến thức có thể làm việc được luôn. 

Ví dụ, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) người ta quy định cụ thể: diện tích phòng bao nhiêu, nhiệt độ bao nhiêu, ánh sáng bao nhiêu; cửa hàng vi phạm là phạt luôn 6.000 đô la!

Nguyễn Thanh Hà (190 Lò Đúc, Hà Nội) sau khi tốt nghiệp THPT,  dành 2 năm để học nấu ăn ở Hà Nội nhưng như Hà bẽn lẽn kể lại là “hầu như không được việc gì sau 2 năm đèn sách”. Gia đình Hà đã quyết định “tái đầu tư” cho cô học nghề nấu ăn trong 2 năm tại Australia.

Hà được các thày cô giáo chỉ bảo tận tình; nhà bếp có đủ trang thiết bị hiện đại giống như một nhà hàng thực thụ để học sinh thực hành các món ăn; trường có nhà hàng cho học sinh làm xong sản phẩm mang lên bán như một doanh nghiệp và trong thời gian học tập nhà trường còn giới thiệu việc làm tạo điều kiện thuận  lợi để học sinh đi làm…

Đó là những câu chuyện có thể nghe được các sinh viên ở các trường AMI, tập đoàn giáo dục IOI, William Angliss hay Sheila Baxter kể. Hàng ngày ra chợ trung tâm Victoria có thể gặp hàng trăm sinh viên Việt Nam làm thêm từ sáng đến chiều vừa để kiếm thêm tiền (có sinh viên mỗi tuần kiếm được 1.000 đô la Australia) vừa là để tăng khả năng giao tiếp và học hỏi kiến thức.

Bao giờ các trường nghề Việt Nam vào cuộc?

Câu hỏi được đặt ra cho những người cùng tham gia chương trình tìm hiểu trường nghề do IEC tổ chức. Bà Đào Liên Hương cho biết, các trường dạy nghề ở các nước nói chung và ở Australia nói riêng được chính phủ đầu tư rất nhiều vì đây chính là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực mới, trong đó có những ngành nghề tiên tiến, đáp ứng nhu cầu thực tại của xã hội.

Ở Anh, có trường CĐ dạy nghề 25.000 sinh viên theo học, với 8 sân tennis, 2 sân bóng đá. Ở VN, trường nghề bé  hơn rất nhiều. Mặc dù Ngân hàng ADB đã đầu tư để chúng ta nâng cấp một số trường nhưng con số này chưa nhiều. Chính vì vậy, để đạt được chất lượng đào tạo cao, đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì các trường nghề vẫn còn nhiều vấn đề nan giải.

Hiện nay, trong tình trạng cơ sở vật chất còn yếu và thiếu, nhiều trường ĐH, CĐ ở VN đã tìm đường liên doanh, liên kết trong đào tạo hoặc “nhập khẩu” chương trình đào tạo. Nhận xét về việc này, bà Đặng Thanh, GĐ Marketing của tập đoàn Giáo dục IOI nhận xét: Chúng tôi đã làm thử một cuộc khảo sát 25 giáo viên ĐH với chương trình giảng dạy CĐ bằng tiếng Anh, nhưng không ai đáp ứng đủ trình độ.

Tiếng Anh luôn là một vấn đề lớn với cả giáo viên và học sinh VN. Sau đó, chúng tôi khảo sát thêm một số trường, nhưng chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất chưa đạt yêu cầu nên việc liên kết đào tạo chưa thể thực hiện ngay được. 

Là một chuyên gia trong lĩnh vực kết nối giáo dục VN và các nước, đặc biệt là Australia, bà Thanh nhấn mạnh: Các trường nghề ở VN bắt buộc phải nâng cấp cơ sở vật chất, chương trình và chất lượng giảng dạy, nếu không, nguy cơ bị “thua trên sân nhà” là không tránh khỏi.

MỚI - NÓNG