Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 19/5, tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ tại Phú Quốc, nhân dịp kỷ niệm 134 năm sinh nhật Bác.

Đến dự có Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 1.000 đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang cho biết, trải qua rất nhiều lần phác thảo công phu và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Hội đồng nghệ thuật, đặc biệt là ý kiến góp ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc ảnh 1

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự lễ khánh thành.

Tượng Bác Hồ được đúc bằng hợp kim đồng, tổng chiều cao 20,7 mét (trong đó thân tượng cao 18 mét, đế tượng cao 0,3 mét và bệ tượng cao 2,4 mét), nặng hơn 93 tấn. Không gian đặt tượng đài là đảo Phú Quốc, nên mẫu trang phục tượng được chọn là kiểu áo khoác không cài khuy với tà áo bay nhẹ theo gió, vừa tạo cảm giác khoáng đạt của thiên nhiên biển đảo, vừa cho thấy sự giản dị, gần gũi của Bác Hồ với đồng bào.

Toàn bộ bức tượng toát lên thần thái của một vị lãnh tụ có tài thao lược, trí tuệ uyên thâm và đầy sức sống. Chiều cao tổng thể của tượng hài hòa với không gian xung quanh và biển trời Phú Quốc xinh đẹp. Tượng được đúc tại làng đúc đồng truyền thống nổi tiếng huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc ảnh 2

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại lễ khánh thành.

Phía sau lưng tượng đài là bức phù điêu hai mặt, chạm nổi, dài 63 mét, nơi cao nhất 10,8 mét, nằm trên bệ cao 1,2 mét. Phù điêu gồm 484 tấm đá trắng ghép lại với nhau: mặt trước giới thiệu hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam; mặt sau thể hiện hình ảnh các danh thắng, địa danh lịch sử tiêu biểu gắn liền với Kiên Giang, các địa danh khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam từ mũi Sa Vĩ (tỉnh Quảng Ninh) đến quần đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang).

Bên cạnh đó, kết hợp với Đền thờ, Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà đón tiếp, sân quảng trường và nhiều hạng mục khác tạo thành một quần thể công trình có ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn và sâu sắc, mang tầm quốc gia và quốc tế.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc ảnh 3

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành tượng đài Bác Hồ.

“Lễ Khánh thành tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kiện chính trị, văn hóa, lịch sử đặc biệt và nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng tôn kính và tri ân sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang nói riêng, miền Nam nói chung đối với Bác Hồ kính yêu”, Bí thư Tỉnh uỷ Kiên Giang nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc ảnh 4

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trồng cây ở 2 bên sân lễ đài.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, sau 2 năm quyết tâm, nỗ lực, chung tay thực hiện, công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và tượng đài Bác Hồ đã được hoàn thiện, với vị trí trung tâm của đảo Phú Quốc, kết nối trực tiếp với cảng biển hành khách đến Phú Quốc.

Chân dung của Người uy nghiêm giữa biển trời Phú Quốc, với muôn vàn tình yêu dành cho miền Nam, cùng những phong cảnh tiêu biểu của biển đảo Việt Nam được khắc hoạ sinh động trong bức tranh phù điêu sẽ là điểm đặc biệt cho tất cả du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm ngưỡng, thể hiện tình cảm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ ở Phú Quốc ảnh 5

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Nhật Huy

Đây là công trình văn hoá mang ý nghĩa chính trị đặc biệt, thể hiện tình cảm của người dân miền Nam nói chung, của người dân Kiên Giang và Phú Quốc nói riêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời là công trình góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

“Tôi tin tưởng và mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc sẽ luôn tự hào, trân quý, quan tâm giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của công trình thật tốt, xứng đáng với kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh hư hỏng
TPO - Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở vườn hoa Hàng Đậu (Ba Đình, Hà Nội) bị hư hỏng khá lớn do cây đổ vào khi bão YAGI đổ bộ. Tượng đài là biểu tượng tôn vinh lòng kiên cường, anh dũng hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với chiến công của quân dân Thủ đô trong suốt 60 ngày đêm chiến đấu những ngày mùa đông năm 1946.