Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Lê Đức Thọ vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đầy đủ, không đúng quy định.
Trước đó, Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Ủy ban Tư pháp sáng 6/9 cho thấy: Từ 8/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập của 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định….
Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức…).
Nhận định về việc kỷ luật ông Lê Đức Thọ, TS Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho biết: Đây là lần đầu tiên một cán bộ cao cấp bị xử lý về việc kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực, một trong những hành vi được coi là tiêu cực theo quy định của Đảng.
Mặc dù việc kê khai để kiểm soát tài sản, thu nhập đã được thực hiện ngay từ Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998 nhưng biện pháp này luôn được coi là chưa hiệu quả, thậm chí đã có lúc bị đánh giá là “mang nặng tính hình thức”.
Với số lượng kê khai không nhỏ, việc kê khai đã dần đi vào nền nếp nhưng việc phát hiện và xử lý những người có hành vi không trung thực trong việc kê khai được báo cáo là rất ít ỏi.
Cũng theo TS Đinh Văn Minh, những tài sản kếch xù, cuộc sống xa hoa không cần giấu giếm của không ít người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước diễn ra ngay trước mắt bàn dân thiên hạ đang là nỗi bức xúc của người dân. Dù chỉ là cảm nhận, người dân có quyền nghi ngờ về sự trung thực trong việc kê khai tài sản...
Bên cạnh việc đánh giá cao những biện pháp xử lý quyết liệt vừa qua của Đảng, không ít chuyên gia bày tỏ sự lo ngại trong việc kiểm tra giám sát sự trung thực của cán bộ đảng viên, bởi khi mà tiền mặt vẫn được chi tiêu thoải mái không qua tài khoản; ngoại tệ, vàng vẫn có thể dễ dàng mua bán trên “chợ đen”. Kiểm soát tài sản cá nhân đặc biệt là với nhà đất còn hạn chế như hiện nay thì việc giám sát sự trung thực, phát hiện vi phạm với đảng viên sẽ còn không ít khoảng trống.
Hy vọng với thành quả bước đầu này, việc kiểm tra giám sát với tài sản của cán bộ, đảng viên sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, thêm công cụ hiệu quả để thanh lọc, quy hoạch nguồn nhân sự có chất lượng cho Đảng và Nhà nước ở các cấp!