Lạ lùng có tiền không tiêu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Giải ngân đầu tư công 9 tháng qua vừa có thông tin tăng hơn so với cùng kỳ nhiều năm: Đạt hơn 51% kế hoạch Thủ tướng giao (trong khoảng 700 nghìn tỷ đồng vốn).

Nếu so với nhiều năm ì ạch, rõ ràng có sự tăng trưởng, nhưng chỉ còn 3 tháng nữa hết năm, vẫn còn khoảng nửa số tiền tồn đọng.

Nhìn ở góc độ nào đó, việc không biết cách hoặc sợ tiêu tiền cũng giống căn bệnh trầm kha. Chuyện cũng dễ hiểu bởi vì tiêu một đồng tiền nhà nước bị gắn trách nhiệm và giám sát kỹ. Đầu tư công không phải miếng bánh để ai đó muốn thò tay bốc trộm ăn vụng nữa rồi.

Ngành ngân hàng gần đây than thở về căn bệnh “có tiền không tiêu được”. Tiền thừa nhưng cho vay sợ mất vốn. Bên cạnh cơ chế cho vay chặt chẽ, còn có sự “co rúm” của doanh nghiệp: Biết làm gì lúc này mà vay (?). Tâm lý nằm im chờ thời là một thực tiễn, không chỉ riêng với cộng đồng doanh nghiệp. Ngay chính nội tại ngành ngân hàng về giải ngân đầu tư công cũng đang có vấn đề. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có gần 24 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, ước hết tháng 9/2023, đơn vị này mới giải ngân 388 tỷ đồng (tức 1,62% kế hoạch).

Giải ngân nhanh (gấp 2 lần so với năm ngoái) như ngành giao thông, nhưng vẫn còn hàng chục nghìn tỷ đồng thách thức tới cuối năm. Tuy vậy, giá trị giải ngân của ngành này có thể nhìn thấy ngay. Những tuyến đường cao tốc thẳng tắp, phục vụ dân sinh, kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Chỉ riêng làm cao tốc đã chiếm hơn 70% giá trị giải ngân của Bộ GTVT. Đường thông nhờ sự nỗ lực từ lãnh đạo Bộ tới từng ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công; công nhân có việc làm. Nhiều doanh nghiệp hồi sinh nhờ kiếm việc từ đây. Thế mới thấy việc cấp thiết giải ngân vốn đầu tư công quan trọng cỡ nào.

Tính theo tỷ lệ giải ngân, 8 bộ, cơ quan trung ương và 27 địa phương chiếm tỷ lệ giải ngân trên 55% (kế hoạch giao); trong đó, một số tỉnh đạt trên 80-90% như Long An, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng. Nhưng cả nước vẫn còn 30 bộ ngành, địa phương giải ngân dưới 30%. Hòa Bình là một tỉnh như vậy. Gần Thủ đô, nhưng doanh nghiệp tới Hòa Bình đầu tư cảm nhận được sự chậm chạp vận hành của địa phương này và nó thể hiện ra bằng con số. Dù có lý giải thế nào, những đơn vị giải ngân ì ạch cũng khó thuyết phục được khi “cũng như mình” mà tỉnh bạn, bộ ngành khác thực hiện tốt hơn.

Hồi tháng 8, Thủ tướng đã gửi công điện thúc tiến độ giải ngân tới các thành viên Chính phủ và địa phương. Đã đến lúc cần biện pháp mạnh hơn, như cá nhân hóa trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tình trạng trên. Bắt bệnh thì nhiều, nhưng chủ yếu do sự thiếu quyết đáp, thiếu tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người có trách nhiệm. Đừng để tới mức Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải thốt lên về việc có tiền mà không tiêu được: “Lạ quá!”.

MỚI - NÓNG