Trong tháng 7, Trung Quốc báo cáo 328 người nhiễm biến chủng Delta. Đứng trước nguy cơ dịch bệnh lan khắp nửa số tỉnh thành của cả nước với tốc độ nhanh khủng khiếp, các địa phương của nước này ngay lập tức áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn.
Ít nhất 260 ca mắc trong đợt bùng phát vừa qua liên quan đến chùm bệnh ở TP Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô ở miền đông, nơi 7 nhân viên dọn vệ sinh trên một chuyến bay quốc tế nhiễm virus hôm 20/7.
Kết quả là hàng ngàn người ở tỉnh này bị phong toả, trong khi Nam Kinh xét nghiệm hai lần cho toàn bộ 9,2 triệu dân.
Độc lực mạnh và tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Delta kết hợp với mùa du lịch cao điểm và lưu lượng người qua lại ở sân bay đông đã khiến ổ dịch nhanh chóng mở rộng ra hàng loạt tỉnh thành, như Phúc Kiến, Trùng Khánh, Tây An, Thiểm Tây…
Giới chức của một quận của Trùng Khánh ngay lập tức cho tiến hành xét nghiệm hàng loạt tất cả những người đến những địa điểm liên quan đến các ca mắc đã được xác nhận.
Sau khi một ca bệnh được phát hiện ở TP Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nơi vừa hứng đợt lũ lụt chết người vừa qua, giới chức ngay lập tức yêu cầu xét nghiệm cho toàn bộ 10 triệu dân. Chủ nhiệm uỷ ban y tế thành phố bị sa thải.
5 quan chức tại TP Shangqiu, trong đó có một lãnh đạo bệnh viện, cũng bị sa thải vì lơ là trong nỗ lực chống dịch, Xinhua đưa tin.
Tại thành phố du lịch Trương Gia Giới của Hồ Nam, toàn bộ 1,5 triệu dân phải ở nhà và tất cả điểm du lịch đều phải đóng cửa sau khi nơi này trở thành ổ dịch mới.
Giới chức Trung Quốc tiến hành truy vết tất cả những người từng đến Nam Kinh hoặc Trương Gia Giới gần đây, đồng thời khuyến cáo du khách không đến những nơi mới phát hiện ca mắc.
Trong khi đó, chương trình tiêm chủng vắc-xin quy mô lớn của Trung Quốc tiếp tục được triển khai.
“Mức độ bảo vệ của vắc-xin COVID-19 trước biến chủng Delta có thể suy giảm đôi chút, nhưng vắc-xin hiện nay vẫn có tác dụng ngăn ngừa và bảo vệ tốt”, ông Feng Zijian, nhà virus học tại Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, khẳng định.
Trung Quốc đến nay đã tiêm được hơn 1,8 tỷ liều vắc-xin trên cả nước, theo số liệu của Uỷ ban Y tế quốc gia.
Hầu hết các khu vực đã kiểm soát được đợt dịch lần này, trong khi một số còn lại vẫn cảnh giác bằng cách duy trì xét nghiệm hàng loạt và lùi ngày tựu trường.
Với cách làm quyết liệt đó, số ca mắc mới ở các tỉnh thành của Trung Quốc liên tục giảm, xuống chỉ còn tổng số 51 ca tính đến đầu tuần này, trong đó có nhiều ca là người từ nước ngoài về.
Indonesia “trả giá”
Một nghĩa trang ở Indonesia được mở rộng khi nhiều người chết vì COVID-19. (Ảnh: AP) |
Quốc gia đông dân thứ tư thế giới gần đây vượt qua Ấn Độ để trở thành trung tâm COVID-19 của châu Á, khi mỗi ngày có thêm hơn 50.000 ca mắc mới.
Trong số 354 triệu ca mắc được xác nhận kể từ khi đại dịch bắt đầu tấn công quốc gia này, 1,2 triệu được ghi nhận riêng trong tháng 7. Nước này có ít nhất 118.000 người chết vì COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng tình hình thực tế còn tồi tệ hơn con số thống kê. Một cuộc khảo sát ở địa phương xác định gần một nửa trong tổng số 10,6 triệu dân của thủ đô Jakarta có thể đã mắc COVID-19.
Quốc gia này trải qua một cuộc khủng hoảng y tế, đẩy các bệnh viện đến ngưỡng vận hành tối đa, các nghĩa trang phải mở rộng và đội ngũ nhân viên y tế kiệt sức. Các chuyên gia cho rằng Indonesia phải “trả giá” vì không phong toả nghiêm và không đầu tư đủ cho hệ thống truy vết.
Indonesia cũng gặp nhiều khó khăn trong cung cấp vắc-xin cho dân số lên đến 270 triệu người. Quốc gia này đến nay mới tiêm đầy đủ cho 10% dân số.
Ấn Độ bớt tệ
Tình hình COVID-19 tại Ấn Độ vẫn tệ, nhưng đã đỡ hơn nhiều so với làn sóng khủng khiếp vào mùa xuân năm nay, khi số ca mắc mới mỗi ngày vượt mốc 400.000, trong đó có hàng ngàn trường hợp tử vong.
Số ca mắc mới ở nước này đã giảm mạnh, xuống hơn 36.000 trường hợp hôm 18/8, trong đó có khoảng 500 ca tử vong, theo số liệu trên trang Our World in Data.
Tính đến nay, Ấn Độ có số ca mắc cao thứ hai thế giới, với 31,2 triệu bệnh nhân và hơn 429.000 trường hợp tử vong.
Trong làn sóng bùng phát năm ngoái, Ấn Độ phong toả cả nước từ tháng 3/2020 và kéo dài đến tháng 6.
Nhưng trong đợt bùng phát năm nay, Thủ tướng Narendra Modi không muốn phong toả cả nước một lần nữa mà trao trách nhiệm cho từng bang.
Trong khi đó, Ấn Độ dừng xuất khẩu vắc-xin, có thể cho đến tận cuối năm nay.
Các chuyên gia y tế nói rằng việc phong toả các khu vực, giảm tương tác xã hội, lượng kháng thể gia tăng trong dân số và tỷ lệ tiêm chủng tăng lên là những nguyên nhân giúp giảm số ca mắc mới ở nước này.
Một cuộc xét nghiệm huyết thanh quy mô toàn quốc cho thấy 2/3 dân số Ấn Độ đã có kháng thể với COVID-19, Reuters đưa tin.
Thực hiện một trong những chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới không phải một nhiệm vụ dễ dàng với Ấn Độ, trong bối cảnh nguồn cung không đủ.
Theo số liệu của Our World in Data, Ấn Độ đã tiêm đủ mũi cho khoảng 87,5 triệu dân, chiếm khoảng 6,3% dân số, trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là khoảng 13%.