Biến thể Lambda, được phát hiện lần đầu tiên ở Peru hồi tháng 8/2020, đã lan rộng ở Nam Mỹ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Lambda vào nhóm “biến thể cần quan tâm” (VOI), thấp hơn một bậc so với nhóm “biến thể đáng quan ngại” (VOC), nhóm bao gồm biến thể Delta.
So với chủng virus ban đầu, biến thể Lambda được đánh giá là có tỉ lệ lây lan cao hơn và có khả năng kháng vắc xin mạnh hơn, tờ Japan Times đưa tin, trích dẫn Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản.
Bộ Y tế Nhật Bản tuần trước cho biết đã xác định ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể Lambda, là một người phụ nữ khoảng 30 tuổi từ Peru đáp xuống sân bay Haneda hôm 20/7.
Đến thời điểm hiện tại, ít nhất 1.060 ca nhiễm biến thể Lambda đã được phát hiện ở Mỹ, CNN đưa tin. Các chuyên gia Mỹ lưu ý rằng số ca nhiễm biến thể Lambda thấp hơn nhiều so với biến thể Delta - hiện chiếm khoảng 83% số ca bệnh mới ở Mỹ - nhưng họ vẫn đang theo dõi chặt chẽ.
Việc phát hiện biến thể Lambda ở Nhật Bản đã khiến dư luận Trung Quốc lo ngại, trong khi biến thể Delta vẫn đang gây ra hàng chục ca bệnh mới ở nước này mỗi ngày.
Người dân Trung Quốc lo ngại biến thể Lambda có thể làm giảm tác dụng của các loại vắc xin hiện có, gây ra những đợt bùng phát liên tiếp khiến người dân không còn có thể trở lại cuộc sống bình thường.
Giải đáp thắc mắc của công chúng, một chuyên gia ở Bắc Kinh nói với Global Times rằng trong thời gian ngắn tới, Lambda sẽ không thể trở thành biến thể thống trị Nhật Bản nói riêng và bắc bán cầu nói chung, vì bắc bán cầu hiện đang là mùa hè. Nhưng sang mùa đông, chưa rõ Lambda có thể thay thế Delta và trở thành biến thể trội hay không. Chuyên gia giấu tên này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách.
Zhuang Shilihe - một chuyên gia khác ở Quảng Châu cho biết biến thể Lambda hiện chỉ chủ yếu hưu hành ở Nam Mỹ. Ngay cả tại Nam Mỹ, tỉ lệ phần trăm số ca mắc mới nhiễm biến thể Lambda cũng đang giảm.
Shilihe lưu ý nghiên cứu mới nhất ở các nước Nam Mỹ như Peru và Chile đã chỉ ra rằng vắc xin COVID-19 do các nhà sản xuất Trung Quốc phát triển vẫn có hiệu quả đối với biến thể mới.
Theo bản đồ giải trình tự gien GISAID, tỉ lệ số ca mắc mới theo tuần của biến thể Lambda ở Nam Mỹ đã giảm từ 7,52% (ngày 21/6) xuống còn 4,9% (ngày 8/8).
Trước đó, các nghiên cứu được thực hiện ở Peru cho thấy vắc xin Sinopharm của Trung Quốc có hiệu quả ít nhất 90% trong việc ngăn ngừa tử vong ở bệnh nhân COVID-19, đài truyền hình Trung Quốc đưa tin hôm 17/7.