Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Các học giả tham gia hội thảo.
Các học giả tham gia hội thảo.
TP - Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa không chỉ xâm phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền của Việt Nam, luật pháp quốc tế, mà còn đe dọa hòa bình, an ninh, sự phát triển kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, hàng không, kích thích chạy đua vũ trang trong khu vực…

Đó là ý kiến chung của các chuyên gia, học giả trong và ngoài nước tại Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” diễn ra ngày 25/7, do Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức.

Một mũi tên trúng hai đích

TS Trần Thăng Long, giảng viên Trường Đại học Luật TPHCM, nói rằng, Trung Quốc cải tạo bãi ngầm, bãi cạn, xây dựng các công trình, lắp đặt thiết bị trên đó nhằm thực hiện chiến thuật “một mũi tên trúng hai đích”. “Nếu như việc xây dựng các đảo nhân tạo có mục đích thay đổi quy chế pháp lý của các bãi cạn và đá nhằm hợp thức hóa đường lưỡi bò và yêu sách phi lý của Trung Quốc, thì việc xây dựng, lắp đặt các thiết bị công trình nhằm củng cố sự hiện diện lâu dài của nước này tại đây và phục vụ ý đồ thâm độc là khống chế, độc chiếm biển Đông, tạo tiền đề cho việc kiểm soát đối với hoạt động hàng hải, hàng không trong khu vực này…”, TS Long nói.

TS Long khẳng định: “Việc bồi đắp, cải tạo và biến đổi các bãi cạn trong biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như việc lắp đặt các thiết bị công trình trên thực thể này của Trung Quốc là trái với các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, xâm phạm các quyền về chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam được thiết lập theo công ước này, đồng thời đi ngược với cam kết của Trung Quốc với Việt Nam và ASEAN về ứng xử và hợp tác nhằm giải quyết tranh chấp trên biển Đông”. Theo TS Long, đáng ngại hơn, các hành động ngang ngược, bất chấp pháp luật và dư luận quốc tế đã tạo ra nguy cơ, mối đe dọa lớn đối với hòa bình, an ninh, sự phát triển kinh tế, thương mại, tự do hàng hải và hàng không… của các quốc gia trong khu vực.

TS Ngô Hữu Phước, Trường Đại học Luật TPHCM, khẳng định, với việc xây dựng đảo nhân tạo trên biển, Trung Quốc đã vi phạm  nghiêm trọng luật pháp quốc tế. Theo ông, các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông được tiến hành theo từng bước với nhiều mục đích. Các hoạt động đó diễn ra theo trình tự: tấn công cưỡng chiếm, xây dựng đảo, yêu sách vùng biển 12 hải lý, đưa người đến ở, tiếp tục yêu sách, liên kết các điểm tiền tiêu để che chắn nhằm độc chiếm biển Đông.

TS Phước phát biểu, việc bồi đắp, mở rộng các đảo, đá nhỏ, đặc biệt là bãi ngầm, rặng san hô, bãi cạn lúc chìm lúc nổi trên các quần đảo, vùng biển đang tranh chấp hoặc chồng lấn để biến chúng thành đảo nhân tạo đang được một số quốc gia thực hiện, nhằm duy trì, củng cố yêu sách chủ quyền đối với các thực thể này, khiến tình hình tranh chấp trên biển giữa các quốc gia trong khu vực ngày càng căng thẳng và phức tạp. “Tiêu biểu là Trung Quốc đã và đang tiến hành với quy mô rất lớn trên 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam”, TS Phước nói.

“Hành vi xây đảo của Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế. Trung Quốc muốn viết lại luật pháp quốc tế ” -  

PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo

PGS.TS Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học Biển và Hải đảo, nói rằng, việc Trung Quốc chiếm 7 thực thể bãi ngầm và đá tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau đó sử dụng tàu hút siêu tốc để tạo ra các “siêu đảo” trong thời gian ngắn là hành vi chưa có tiền lệ. Hành vi này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam mà còn xâm phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, các thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc…

Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển… nhưng không tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế. TS Diến phát biểu, những gì Trung Quốc hành động cho thấy nước này là “nhà giả kim” pháp lý; họ chỉ thực hiện những quy định quốc tế có lợi cho họ và rất giỏi biến “không thành có”. Từ không có tranh chấp thành có, từ bãi đá ngầm thành đảo… và đích cuối cùng là hợp pháp hóa đường lưỡi bo, chiếm trọn biển Đông. “Hành vi xây đảo của Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế. Trung Quốc muốn viết lại luật pháp quốc tế”, ông Diến nói.

Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế ảnh 1

GS.TS Erik Franckx.

Trận chiến pháp lý

GS.TS Jay Batongbacan, Khoa Luật - Trường Đại học Philippines, đề cập các giải pháp ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây dựng hoặc xây dựng phi pháp trên biển Đông trong tương lai. TS Batongbacan nói rằng, qua kinh nghiệm của Philippines, nước đang kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế, cần phải áp dụng các biện pháp tạm thời để ngăn chặn Trung Quốc đơn phương thực hiện các hành vi xâm phạm chủ quyền, hoặc xâm hại môi trường biển trong vùng biển tranh chấp. Theo ông, việc khởi kiện ra tòa án quốc tế là cần thiết, dù quá trình này thường kéo dài.

Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về việc Philippines đang kiện Trung Quốc tại tòa án quốc tế, GS.TS Erik Franckx, Trưởng khoa Luật Quốc tế và Luật châu Âu – Trường Đại học Vrije Universiteit Brussels (Bỉ), Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (Hà Lan), nói: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, vấn đề biển Đông được đưa giải quyết bằng biện pháp tư pháp, tranh tụng trước tòa án quốc tế”. 

Trong vụ kiện này, tòa án quốc tế, cơ quan tài phán sẽ không giải quyết vấn đề chủ quyền trực tiếp, nhưng khi họ giải quyết những vấn đề liên quan Luật Biển, Luật Hàng hải thì họ có thể giải thích được phần nào vấn đề trên. “Tôi nghĩ điều này rất quan trọng khi mà cơ quan tài phán họ xác định được họ có thẩm quyền để giải quyết vụ tranh chấp này. 

Điều quan trọng mà chúng ta phải lưu ý là trong vụ kiện này là mặc dù Trung Quốc từ chối không tham gia, nhưng kết quả quyết định của cơ quan tài phán sẽ có những tác động nhất định đến những quốc gia có liên quan và thông thường các quốc gia sẽ tuân thủ phán quyết của cơ quan tài phán”, TS Franckx nói.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Phó Đô đốc hải quân Ấn Độ Anup Singh nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của nhà chiến lược quân sự. Ông cho rằng, không còn nghi ngờ gì việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo cho mục đích quân sự, dù nước này luôn miệng tuyên bố dùng cho mục đích dân sự. Ông trưng các hình ảnh cho thấy, trên đảo nhân tạo đã có sân bay, pháo, súng, nơi tiếp nhận tàu đổ bộ… 

Cũng như các học giả khác, ông cho rằng, nạn nhân đầu tiên của việc Trung Quốc xây dựng đảo là môi trường biển bị tàn phá, một số giống loài bị tàn phá vĩnh viễn, không tái tạo được. Nạn nhân tiếp theo là hòa bình, ổn định của khu vực bị thách thức, dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động kinh tế, thương mại.

Nạn nhân tiếp theo là chi tiêu quân sự, đẩy các nước trong khu vực vào cuộc chạy đua vũ trang để tự bảo vệ mình trước một Trung Quốc quá hung hăng. Theo ông, Trung Quốc năm nay chi 190 tỷ USD cho quốc phòng, lớn hơn cả ASEAN, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản cộng lại. Trung Quốc đang xây dựng hải quân mạnh hơn, sản xuất thêm 6 loại máy bay, cứ 2 năm cho ra lò 1 tàu ngầm…

MỚI - NÓNG