Tòa ra phán quyết: bồi thẩm đoàn nhất trí cho rằng bị cáo Ngô Lập Thắng đã phạm 6 tội danh, trong đó có đưa hối lộ, rửa tiền và tham nhũng, có thể bị nhận mức án 60 năm tù giam. Tòa án nhận định: cự phú Trung Quốc Ngô Lập Thắng đã phạm tội đưa hối lộ cho hai quan chức ngoại giao của LHQ hơn 1,7 triệu USD để giành được sự ủng hộ ông ta xây dựng “Trung tâm hội nghị LHQ” ở Macao.
Vụ án cho thấy thực tế tồn tại chuyện dùng tiền để đánh đổi ảnh hưởng trong cơ quan quyền lực quốc tế cao nhất này. Phía công tố cho biết, người nhận hối lộ là nhà ngoại giao người Antigua và Barbuda John Ashe, khi đó đang giữ chức Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (UN General Assembly). Năm 2012, John Ashe đã trình ra trước Đại hội đồng LHQ văn bản hồ sơ ủng hộ dự án địa ốc của Ngô Lập Thắng. Phía công tố cho rằng, bị cáo Thắng đã thông qua việc đưa hối lộ, dày công vạch ra và thực hiện từng đường đi nước bước để dần dần gây sức ép cho các quan chức trọng yếu của LHQ để đạt được mục đích của mình.
Luật sư biện hộ cho Ngô Lập Thắng thì cho rằng: mọi hành vi của bị cáo đều công khai, minh bạch, hoàn toàn không phải đưa hối lộ mà chỉ bị hại bởi các quan chức LHQ tham lam. Bên công tố và các luật sư đã “đấu nhau” trước tòa trong suốt 2 ngày 25 và 26/7 xung quanh việc hành vi đưa tiền của Ngô Lập Thắng có phạm tội đưa hối lộ hay không.
Theo phía công tố, trong 5 năm trời, Ngô Lập Thắng đã đưa hối lộ hơn 1,7 triệu USD cho hai quan chức LHQ, thời kỳ cao điểm mỗi tháng đưa hối lộ hơn 50 ngàn USD để đối lấy việc được trao quyền xây dựng một trung tâm hội nghị lớn của LHQ ở Macao trị giá nhiều tỷ USD. Đó là một công trình lớn, bao gồm phòng họp, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, Câu lạc bộ đại sứ, khách sạn, nhà ở, bãi đỗ trực thăng, cầu cảng; hạng mục Trung tâm Hội nghị triển lãm Nam – Nam chỉ là một phần nhỏ của dự án này. Do đại biểu tư nhân không thể trình dự án lên LHQ nên Ngô Lập Thắng đã mua chuộc Đại sứ Dominicana tại LHQ Francis Lorenzo để thông qua ông này đưa hối lộ cho Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe, mượn chức vụ của ông này để tạo ảnh hưởng đối với LHQ với ý định qua việc xây dựng Trung tâm hội nghị quốc tế sang trọng thực hiện được giấc mơ biến Macao thành “Geneve châu Á”, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến tiêu xài.
Luật sư bào chữa cho bị cáo, ông Tai Hyun Park phản bác, cho rằng: hạng mục công trình này là kết quả của cơ chế kết hợp công – tư của LHQ (Public-Private-Partnership), không có điều khoản nào quy định cấm cơ chế như thế, không có điều khoản hay văn bản nào cấm Ngô Lập Thắng bỏ tiền giúp đỡ LHQ và các đại sứ xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD để phục vụ các nước đang phát triển. Ông Tai Hyun Park cho rằng: sự thực là hai quan chức LHQ John Ashe và Francis Lorenzo đã lợi dụng Ngô Lập Thắng, rằng thân chủ họ “chỉ đưa tiền theo yêu cầu và chỉ dẫn của họ”.
Ngày 27/7, bồi thẩm đoàn đã họp kín và bỏ phiếu với kết quả nhận định Ngô Lập Thắng đã phạm 6 tội như đưa hối lộ, hợp mưu đưa hối lộ, vi phạm luật chống tham nhũng hải ngoại của Mỹ, rửa tiền…Sau khi bồi thẩm đoàn đưa ra kết luận, Công tố viên liên bang khu Nam New York Joon H. Kim đã nói: Ngô Lập Thắng đã hủ hóa giới lãnh đạo cấp cao LHQ, thông qua hối lộ, ông ta biến các quan chức cấp cao này thành diễn viên của riêng mình. Ông hy vọng phán quyết này sẽ có tác dụng cảnh cáo, răn đe những kẻ âm mưu giao dịch quyền tiền giữa giới chính trị và kinh doanh.
Hiện tòa án chưa xác định ngày công bố mức án, nhưng mức án cao nhất mà Ngô Lập Thắng phải nhận là 65 năm tù. 4 bị cáo khác, bao gồm Francis Lorenzo, Nghiêm Tuyết Thụy – Chủ tịch Quỹ phát triển toàn cầu, Phác Hồng – Tổng giám sát quỹ trên và Doãn Xuyên – trợ lý của Ngô Lập Thắng đều đã nhận tội. Còn nguyên Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe sau khi bị khởi tố về tội nhận hối lộ của Ngô Lập Thắng, ngày 22/6/2016 đã bị phát hiện chết tại nhà riêng, nguyên nhân được cho là khi nằm ngửa để cử tạ, quả tạ đã rơi xuống cổ khiến ông chết ngạt. Kết luận này khi đó đã gây nên những ý kiến bày tỏ nghi ngờ…
Ngô Lập Thắng bị FBI bắt tại sân bay New York hồi tháng 9/2015 do mang theo lượng tiền mặt lớn khi nhập cảnh nước Mỹ. Khi đó đi cùng Thắng còn có Tần Phi, một thương gia Bắc Kinh, người bị FBI nghi ngờ là nhân viên tình báo, nhưng sau đó người này đã bay về Trung Quốc, còn Ngô Lập Thắng thì bị giam lỏng tại một căn hộ chung cư ở Manhattan sau khi đóng 50 triệu USD bảo lãnh tại ngoại.
Ngô Lập Thắng được coi là người có mối quan hệ rất rộng trong giới chính trị và kinh doanh, “có tài hô gió gọi mưa” ở Macao; từ 1998 đến nay liên tục được bầu làm Ủy viên Chính Hiệp Trung Quốc, năm 2006 từng quyên góp hàng chục triệu NDT để tu sửa “Khu thắng cảnh cách mạng Đỏ” ở Thụy Kim. Đây không phải là lần đầu tiên Thắng dính vào vụ việc đưa hối lộ. Hồi thập niên 1990 ông ta đã dính vào vụ bê bối quyên tiền cho ông Bill Clinton tái cử tổng thống nhiệm kỳ hai. Vì vậy, ông ta đã được các nhà làm phim lấy làm nguyên mẫu cho nhân vật thương gia Trung Quốc trong bộ phim truyền hình “Ngôi nhà giấy” từng rất ăn khách ở Mỹ.