Trong bài báo đăng trên tạp chí Biên giới Khoa học Trái đất ngày 9/10, các nhà khoa học Trung Quốc nói rằng thiết bị cảm biến nặng 1,4 tấn có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần và nổi lên theo tín hiệu từ tàu mẹ.
“Các thiết bị cảm biến sẽ thu thập một số lượng lớn số liệu quan trắc tại chỗ để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp nhằm làm rõ cơ chế các luồng sóng ngầm dưới đáy biển”, GS Jia Yonggang và các đồng nghiệp tại ĐH Hải dương Trung Quốc viết trong bài báo.
Bộ phận chính của robot là một bộ cảm biến âm thanh Doppler do hãng Teledyne RD Instruments của Mỹ sản xuất. Hãng này cũng cung cấp thiết bị cho Hải quân Mỹ. Teledyne Benthos, một hãng khác của Mỹ, đã cung cấp kính nổi. Những bộ phận khác được mua từ Đức, Na Uy và Canada. Bộ phận duy nhất được sản xuất ở Trung Quốc là camera dưới nước, được sản xuất ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây.
Các dòng chảy dưới đáy biển (hay còn gọi là sóng ngầm) là một mối nguy hiểm lớn ở Biển Đông. Chúng được tạo ra khi nước vượt qua những chướng ngại vật dưới đáy biển như sườn núi, gây ra sự nhiễu loạn.
Theo nhiều nghiên cứu, một số đợt sóng ngầm có thể kéo dài hơn 100km và nhanh chóng lôi tàu ngầm xuống rãnh sâu.
Trong những năm gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc tìm ra rằng những đợt sóng mạnh đó không chỉ là mối đe doạ trực tiếp đối với các hoạt động hải quân, mà còn gây ra những thay đổi bất ngờ đối với địa thế dưới biển, như chặn các kênh biển hoặc tạo ra đụn cát ở bất kỳ chỗ nào.
Trung Quốc đã tạo nên một trong những mạng giám sát đại dương lớn nhất thế giới ở Biển Đông, nhưng các phao nổi dễ bị hỏng.
Robot mới có thể hoạt động dưới đáy biển trong nhiều tuần, phát hiện thông tin sớm hơn và ở phạm vi lớn hơn, các nhà nghiên cứu khẳng định.
Jia và nhóm nghiên cứu nói rằng dữ liệu thu được sẽ giúp các nhà nghiên cứu đưa ra những mô hình chính xác hơn để dự đoán sự hình thành, lan toả và sức mạnh của các đợt sóng ngầm ở vùng biển.
Trong bài viết, các nhà nghiên cứu cho biết đã tiến hành hai thử nghiệm thực tế sử dụng thiết bị này ở Biển Đông trong năm ngoái, thả nó xuống độ sâu khoảng 600m và 1.400m.
Một sự cố rò rỉ đã làm hỏng một bộ ắc-quy của thiết bị, nhưng nhóm nghiên cứu nói rằng họ vẫn thu thập được đủ dữ liệu.
Hồi tháng 4, hơn 50 thuỷ thủ Indonesia thiệt mạng khi một tàu ngầm của nước này gặp nạn ở vùng biển phía bắc đảo Bali. Dù vụ tai nạn vẫn đang được điều tra, các quan chức hải quân Indonesia tin rằng sóng ngầm là nguyên nhân gây tai nạn. Hình ảnh vệ tinh cho thấy có sóng ngầm xuất hiện khi con tàu gặp nạn.
Tuần trước, quân đội Mỹ cho biết một tàu ngầm của họ bị hư hỏng sau khi va vào “vật thể không xác định” ở Biển Đông.
Sự cố khiến tàu USS Connecticut phải nổi lên mặt nước và quay về căn cứ ở đảo Guam. Giới chức Mỹ không cung cấp thông tin cụ thể về sự việc, nhưng các nhà quan sát tin rằng sự cố này rất bất thường vì tàu ngầm tấn công lớp Seawolf được trang bị những thiết bị cảm biến và điều hướng tối tân.
Một nhà khoa học về hải dương tại Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc, Mỹ và một số nước đã đưa rất nhiều thiết bị giám sát xuống Biển Đông, nhưng khả năng các thiết bị này va vào tàu ngầm là cực kỳ thấp vì vùng biển này rộng lớn.
Chính phủ Trung Quốc lên tiếng đòi Mỹ phải công bố thông tin cụ thể về sự cố.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc thử nhiều loại thiết bị và thực hiện các nghiên cứu ở Biển Đông để phục vụ các hoạt động nhằm củng cố yêu sách phi lý của họ trên vùng biển này.