Luật an toàn hàng hải mới của Trung Quốc có hàm ý nguy hiểm với Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
Đội tàu Trung Quốc trong đợt neo đậu ở đá Ba Đầu thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam
Đội tàu Trung Quốc trong đợt neo đậu ở đá Ba Đầu thuộc quần đào Trường Sa của Việt Nam
TPO - Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi có thể thổi bùng tranh chấp trên Biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á và gây thêm căng thẳng với Mỹ và các đồng minh.

Có hiệu lực từ ngày 1/9, Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi của Trung Quốc quy định các tàu nước ngoài khi đi qua những vùng biển mà Bắc Kinh có yêu sách phải báo cáo thông tin chi tiết và tuân thủ quy định về hoa tiêu của Trung Quốc.

"Các quốc gia cần tuân thủ nghiêm túc các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương, khi ban hành các văn bản nội luật liên quan đến biển" - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 1/9 để trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc chính thức thi hành Luật An toàn giao thông hàng hải sửa đổi.

Ngày 27/8, Cục an toàn hàng hải Trung Quốc ra thông báo nói rằng 5 loại tàu nước ngoài, bao gồm tàu ngầm, tàu chạy bằng nhiên liệu hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở dầu thô, hoá chất, khí hoá lỏng và những chất độc hại khác, cũng như các tàu có thể đe doạ an toàn hàng hải của Trung Quốc, thuộc phạm vi tác động của luật mới.

Các tàu nước ngoài sẽ phải khai báo thông tin về tên, số hiệu, vị trí gần đây của tàu, số điện thoại vệ tinh và các hàng hoá nguy hiểm, thông báo cho biết.

Nếu hệ thống nhận dạng tự động của tàu không hoạt động bình thường thì cứ hai giờ một lần, chủ tàu phải báo cáo với cơ quan quản lý hàng hải của Trung Quốc về vị trí và tốc độ cho đến khi rời khỏi khu vực Trung Quốc coi là “lãnh hải” của họ.

Các chuyên gia nói rằng luật này sẽ không có vấn đề gì nếu định nghĩa “lãnh hải” của Trung Quốc không bị nước này diễn giải để bao trùm gần hết Biển Đông, như yêu sách bằng đường 9 đoạn phi pháp.

Luật trên được công bố lần đầu vào ngày 29/4 khi quốc hội Trung Quốc sửa đổi Luật an toàn giao thông hàng hải có từ tháng 9/1983.

Hồi tháng 4, Xinhua nói rằng các tàu nước ngoài có nguy cơ đe doạ an toàn hàng hải sẽ phải tự báo cáo trước khi đi qua vùng biển của Trung Quốc. Những tàu vi phạm sẽ bị yêu cầu phải tháo dỡ.

Ngày 29/8, Thời báo Hoàn cầu nói rằng luật sửa đổi là dấu hiệu cho nỗ lực gia tăng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Nhà bình luận Trung Quốc Song Zhongping nói với Thời báo Hoàn cầu rằng Cục An toàn hàng hải có quyền xua đuổi hoặc từ chối cho tàu nước ngoài vào vùng biển của Trung Quốc nếu tàu đó bị coi là gây đe doạ cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Bài viết của Thời báo Hoàn cầu không nêu cụ thể quốc gia nào hay vùng biển nào sẽ chịu tác động của luật sửa đổi, nhưng các nhà phân tích cho rằng luật này nhằm vào Mỹ và các đồng minh.

“Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để thực thi, bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam; chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của mình được xác định theo đúng quy định của UNCLOS” -Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

“Các tàu ngầm, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và các tàu có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc… rất khó để mọi người không liên tưởng đến các tàu quân sự của Mỹ, Anh, và Nhật Bản trên Biển Đông, Hoa Đông và eo biển Đài Loan”, Wu Fei, phó giáo sư tại ĐH Tế Nam Quảng Châu, viết trong bài đăng đầu tuần này.

Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, lãnh hải được xác định là vùng nước biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở, và các tàu nước ngoài được phép “đi lại vô hại” trong khu vực này nếu không gây đe doạ cho an ninh của quốc gia ven biển.

Ông Su Tzu-yun, giám đốc khoa Chiến lược và nguồn lực quốc phòng thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và an ninh quốc phòng ở Đài Loan (Trung Quốc), lưu ý rằng Bắc Kinh định nghĩa “lãnh hải” rộng hơn định nghĩa của quốc tế, để bao gồm cả “vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cũng như các vùng biển thuộc quyền tài phán của họ”.

Ông Su nói rằng Bắc Kinh cũng đã sửa Luật Hải cảnh vào tháng 2 năm nay để cho phép hải cảnh nước này dùng vũ khí với các tàu nước ngoài.

Theo Chương VI của Luật Hải cảnh, lực lượng hải cảnh Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí cầm tay với tàu nước ngoài đi vào “trái phép” vùng nước mà nước này có yêu sách và từ chối chấp hành yêu cầu của hải cảnh Trung Quốc. Ngoài ra, hải cảnh Trung Quốc có thể dùng vũ khí từ trên không nếu các tàu hoặc máy bay thực thi công vụ của Trung Quốc bị tấn công.

Chưa rõ Luật an toàn hàng hải sửa đổi sẽ có phạm vi và mức độ áp dụng như thế nào.

Bài phân tích trên trang web của Trường Hải chiến Mỹ cho rằng phạm vi điều chỉnh của Luật an toàn hàng hải này rất có vấn đề, vì không chỉ giới hạn ở vùng biển ven bờ mà cả những vùng biển Trung Quốc coi là thuộc quyền tài phán của họ. Luật sửa đổi không nói rõ phạm vi áp dụng, và đây là sự “mập mờ cố ý”.

Trung Quốc có yêu sách với hầu khắp Biển Đông theo cái gọi là đường 9 đoạn, dù yêu sách này đã bị Toà trọng tài quốc tế bác bỏ trong phán quyết đưa ra vào tháng 7/2016.

Theo bài viết, có thể hiểu hàm ý “các vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc là gì thông qua những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.

“Với những yêu sách thái quá của Trung Quốc và những hoạt động thực tế của nước này gần đây, luật mới có thể áp dụng với tất cả vùng biển và đáy biển trong phạm vi đường 9 đoạn ở Biển Đông, mở rộng ra rãnh Okinawa và đá Ieodo (tranh chấp giữa Trung Quốc và Hàn Quốc) trên Hoàng Hải”, bài viết nhận định.

Ngoài vấn đề phạm vi áp dụng, Điều 30 của Luật an toàn hàng hải sửa đổi cũng gây lo ngại khi đặt ra yêu cầu bắt buộc về hoa tiêu.

“Hoa tiêu bắt buộc thường được áp dụng ở các cảng và trong vùng nội thuỷ khi tàu vào cảng. Điều 24 của UNCLOS 1982 không quy định hoa tiêu bắt buộc đối với các tàu nước ngoài đi lại vô hại và không vào vùng nội thuỷ hay cảng của quốc gia ven biển.

“Yêu cầu trong luật mới của Trung Quốc có thể dẫn đến việc từ chối hoặc làm mất quyền đi lại vô hại”, bài viết nhận định.

Hồi tháng 4, báo Nikkei Asia Review của Nhật Bản nói rằng Cục an toàn hàng hải Trung Quốc đang phát triển hàng loạt tàu tuần tra để thực thi luật mới.

Theo trang web thương mại Ship Technology, con tàu đầu tiên trong đội đó là Haixun 09, được hạ thuỷ ở Quảng Châu vào tháng 9 năm ngoái.

Con tàu đó dài 165, lượng giãn nước 10.700 tấn và có bãi đáp trực thăng. Có thể đi xa 18.520km, con tàu có thể thực hiện nhiệm vụ liên tục trong 90 ngày, đến những nơi cách rất xa bờ biển Trung Quốc.

“Trung Quốc đang có kế hoạch mở rộng đội tàu tuần tra biển để thực hiện những chuyến đi dài và ra các vùng biển sâu”, Ship Technology viết.

Theo AT
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.