Những công trình quân sự và lưỡng dụng của Trung Quốc trên “Bộ tam” đá Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập đang hoàn tất, với các hệ thống phòng thủ, radar và hải quân mà tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải quốc tế (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược tại Washington theo dõi suốt 2 năm qua giờ đã gần như hoàn thành. Bắc Kinh nay có thể đưa vũ khí, khí tài, bao gồm máy bay chiến đấu, bệ phóng tên lửa, ra quần đảo Trường Sa bất kỳ lúc nào, AMTI nhận định.
Đẩy mạnh quân sự hóa
AMTI đưa ra phân tích trên dựa trên các ảnh vệ tinh chụp trong tháng này. Ông Gregory Poling, Giám đốc AMTI, nói rằng, những ảnh đó cho thấy sự xuất hiện của ăng-ten radar mới trên đá Chữ Thập và Xu Bi. “Vì thế, việc triển khai sẽ xảy ra trong tương lai gần”, Reuters hôm qua dẫn lời ông Poling.
AMTI cho biết, 3 căn cứ không quân trên quần đảo Trường Sa và một căn cứ khác trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) sẽ cho phép các máy bay quân sự hoạt động trên gần như toàn bộ biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới mà Trung Quốc “nhận vơ” là vùng biển của họ.
AMTI cũng cho biết, các hệ thống radar cảnh báo sớm và giám sát tiên tiến trên đá Chữ Thập, Xu Bi, Châu Viên và đảo Phú Lâm, cùng những hệ thống quy mô nhỏ hơn ở nơi khác tạo nên mạng lưới radar bao trùm khu vực. Trung Quốc đưa các tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm cách đây hơn 1 năm và đã đưa các tên lửa hành trình chống hạm ra đó ít nhất một lần.
Bắc Kinh còn xây dựng những nhà chứa máy bay chắc chắn, có mái che di động, để có thể chứa bệ phóng tên lửa di động trên đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, cùng với nhiều hầm chứa trên đá Chữ Thập để đủ chỗ cho 24 máy bay chiến đấu và 3 máy bay cỡ lớn, bao gồm máy bay ném bom.
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ gần đây nói rằng, Trung Quốc đã hoàn thành việc xây dựng gần hai chục cấu trúc ở Xu Bi, Vành Khăn và Chữ Thập, có vẻ được thiết kế để chứa các tên lửa đất đối không
tầm xa.
Trung Quốc luôn phủ nhận việc họ đang quân sự hóa biển Đông. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuần trước còn nói rằng, những trang thiết bị vũ khí mà nước này đưa ra khu vực tranh chấp là để duy trì “tự do hàng hải”.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa phản hồi gì về thông tin mới nhất mà AMTI đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm qua nói không nắm được chi tiết trong báo cáo của AMTI, nhưng tiếp tục ngang nhiên nói rằng, quần đảo Trường Sa là “lãnh thổ vốn có” của Trung Quốc.
“Việc Trung Quốc triển khai hay không triển khai các cơ sở phòng thủ chủ quyền cần thiết trên lãnh thổ của chính mình là vấn đề nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”, bà Hoa nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross từ chối bình luận về các chi tiết trong báo cáo của AMTI vì đó là thông tin tình báo. Nhưng ông nói: “Việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng trên biển Đông càng củng cố chứng cứ rằng, họ tiếp tục những hành động đơn phương gây căng thẳng ở khu vực và phản tác dụng đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp”.
Cuộc khủng hoảng bị ngó lơ
Trong khi đó, tạp chí Mỹ National Interest vừa có bài viết nói về một cuộc khủng hoảng thực sự trên biển Đông mà không mấy ai chú ý. Theo bài viết này, Trung Quốc và ASEAN đang thương lượng về một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), nhưng liệu những cuộc thương lượng này có thể giúp cứu vãn môi trường biển đang có nguy cơ bị hủy diệt.
Trong khi các nhà ngoại giao thảo luận về COC, nhiều nhà khoa học cho rằng, môi trường biển cũng đáng được quan tâm, một phần vì tình trạng tận thu khiến nguồn hải sản trên biển Đông đang cạn kiệt.
Đại úy không quân Mỹ, ông Adam Greer, người vừa hoàn thành một nghiên cứu với một phần kinh phí do ĐH Quốc phòng Mỹ cấp, nói rằng, các lợi ích trên biển Đông có thể quy thành 3 nhóm: chính trị, dầu khí và protein. Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Diplomat, ông Greer cho rằng, nguồn protein từ hải sản có lẽ là yếu tố quan trọng nhất dẫn dắt cuộc cạnh tranh trên biển Đông.
Theo ông John McManus, giáo sư ngành sinh vật biển tại ĐH Miami, Mỹ, việc ngư dân Trung Quốc sử dụng tàu biển dùng chân vịt để khai thác san hô và tìm loài sò khổng lồ đã gây phá hoại trên diện rộng nhiều ran san hô. Việc Trung Quốc nạo vét để lấy cát sỏi xây đảo nhân tạo càng phá hoại nặng nề hơn.
Ông McManus cho rằng, việc quản lý hiệu quả môi trường biển trên biển Đông đòi hỏi các nước trong khu vực chung sống hòa bình. Học giả này cho rằng, nên thành lập một “công viên hòa bình” ở quần đảo Trường Sa và đóng băng các đòi hỏi chủ quyền bằng một thỏa thuận giữa các nước. Nhưng những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc tiếp tục xây dựng, cải tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy khả năng này khó xảy ra trong tương
lai gần.
GS Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc cho rằng, quần đảo Hoàng Sa đóng vai trò quan trọng trong bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thống trị biển Đông. Nhưng khi tranh chấp biển đảo vẫn kéo dài, môi trường biển của khu vực vẫn tiếp tục phải trả giá cao, bài viết trên National Interest nhận định.