Trung Quốc ngụy biện quân sự hóa biển Đông

Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa đất đối không trên Phú Lâm - đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Stratfor.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa đất đối không trên Phú Lâm - đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: Stratfor.
TP - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm qua chối bỏ việc Bắc Kinh đang quân sự hóa khu vực tranh chấp trên biển Đông và nói rằng nước này cần có trang thiết bị quân sự trên các bãi đá họ đang chiếm đóng để bảo vệ lợi ích thương mại của họ ở khu vực.

"Cơ sở vật chất của Trung Quốc trên các đảo và bãi đá chủ yếu vì mục đích dân sự”, ông Lý Khắc Cường nói trong cuộc họp báo ngày 24/3 tại Canberra với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull. “Ngay cả khi có một lượng nhất định thiết bị hay cơ sở quốc phòng thì cũng để duy trì tự do hàng hải và tự do bay”, ông Lý nói trong chuyến thăm dài 5 ngày đến Úc. Thủ tướng Trung Quốc nói trước các nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp rằng, Úc không cần đứng về bên nào, Trung Quốc (đối tác thương mại lớn nhất của Úc) hay Mỹ (đồng minh chiến lược chính của Úc).

Dù thận trọng không đối đầu Trung Quốc, nước mua hơn 30% lượng hàng hóa xuất khẩu của mình, nhưng Úc vẫn lo ngại trước việc Bắc Kinh tích lũy trang thiết bị quân sự trên biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải thương mại nhộn nhịp nhất thế giới. Khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua biển Đông, theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ. “Trách nhiệm của tất cả các nước trong khu vực là phối hợp với nhau và duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông và duy trì tự do hàng hải, tự do bay”, Bloomberg dẫn lời ông Lý. Giới phân tích gần đây cho rằng, Trung Quốc đang đổi giọng trong vấn đề biển Đông và sử dụng chính những khái niệm của Mỹ để biện hộ cho những bước đi đáng lo ngại của họ ở các khu vực tranh chấp.

Trung Quốc và Úc hôm qua ký nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận thúc đẩy trao đổi thương mại nông nghiệp hai chiều và hợp tác hạ tầng. Ông Lý nói với các phóng viên rằng, ông đồng ý với Thủ tướng Úc về sự cần thiết phải duy trì tự do thương mại. Khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nghiêng về xu thế bảo hộ, Trung Quốc công khai ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại và toàn cầu hóa.

Bloomberg dẫn lời ông Geoff Raby, cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc, hiện là chủ một hãng tư vấn, nói rằng, căng thẳng trên biển Đông “đặt chính phủ Úc vào tình thế cực kỳ căng thẳng”. “Một mặt, chúng ta có những lợi ích kinh tế và thương mại lớn ở Trung Quốc. Tương lai kinh tế của Úc nằm ở Trung Quốc. Mặt khác, an ninh của chúng ta phải duy trì các thỏa thuận đồng minh với Mỹ”, ông Raby nói.

Philippines chỉ trích Mỹ khoanh tay

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 23/3 nói rằng, Mỹ có quan điểm cứng rắn về vấn đề biển Đông, nhưng việc Washington không làm gì từ lúc Trung Quốc bắt đầu xây các đảo nhân tạo là nguyên nhân gây ra những căng thẳng đang bao vây khu vực hiện nay.

Tổng thống Philippines nói rằng, các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ có nguy cơ gây ra “tính toán sai lầm” đến mức châm ngòi cho xung đột. Ông Duterte cũng cáo buộc chính quyền trước của Mỹ gây sức ép để Manila phải có quan điểm chống lại Trung Quốc nhưng không bảo đảm hỗ trợ quân sự cho Philippines. Nhà lãnh đạo “ăn sóng nói gió” cũng tỏ ra không ưa đồng minh lâu đời nhất của nước mình. Ông nói rằng, Mỹ chịu ràng buộc bởi hiệp ước phải bảo vệ Philippines nhưng lại không làm gì khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng ở một số phần nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. “Vì sao Mỹ, nước duy nhất có thể hành động, lại muốn hải quân của chúng ta ra đó? Đó sẽ là cuộc thảm sát đối với những người lính của tôi”, ông Duterte nói.

“Tại sao các ông (Mỹ) không trách móc họ (Trung Quốc)? Tại sao các ông không đưa 5 tàu sân bay ra đó? Và các ông phải đợi đến khi tình thế chín muồi để trở thành vấn đề quốc tế dính dáng đến nhiều nước? Các ông có thể giải quyết vấn đề từ khi nó mới nổi lên nếu các ông có hành động quyết định”, Tổng thống Philippines quả quyết. Ông Duterte phát biểu mạnh mẽ như vậy trong bối cảnh Trung Quốc sắp xây nhiều trạm giám sát môi trường trên vùng biển tranh chấp, trong đó có bãi cạn Scarborough gần bờ biển Philippines.

Ngược lại những lời lẽ gay gắt với Mỹ, ông Duterte không chỉ trích Trung Quốc. “Tôi quyết định thay đổi chút ít trong chính sách đối ngoại của chúng ta”, ông nói. Tổng thống Duterte trước đó mời Trung Quốc cử tàu chiến đến thăm Philippines và gợi ý hai nước chia sẻ các nguồn năng lượng xa bờ trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà Trung Quốc cũng có đòi hỏi chủ quyền. “Ngay cả khi tôi có yêu sách với tất cả, tôi cũng không có vốn, thậm chí không có giàn khoan và mọi thứ, thì chúng ta cũng không khai thác nổi”, ông Duterte nói.

Tổng thống Philippines nói rằng, thật vô nghĩa khi cố thách thức việc Trung Quốc củng cố các đảo nhân tạo và ông cũng chế nhạo truyền thông đã tin lời nói lúc tranh cử của ông rằng, ông sẽ cưỡi xuồng máy ra một trong những bãi mà Bắc Kinh đang chiếm đóng để cắm cờ Philippines trên đó. “Chúng ta không thể ngăn họ vì họ đang xây dựng với tư tưởng không thay đổi rằng, họ sở hữu nơi đó. Trung Quốc sẽ đi đến chiến tranh”, ông Duterte nói. “Người ta muốn tôi cưỡi xuồng máy. Những kẻ ngốc đó đã tin tôi”, Reuters dẫn lời Tổng thống Philippines.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.