Trung Quốc săn lùng quan tham đào tẩu thế nào?

Một quan tham Trung Quốc biển thủ 485 triệu USD bị bắt đưa về nước năm 2014. Ảnh: SCMP
Một quan tham Trung Quốc biển thủ 485 triệu USD bị bắt đưa về nước năm 2014. Ảnh: SCMP
TP - Bắc Kinh lần đầu tiên tiết lộ cách thức truy lùng các quan tham bỏ trốn ra nước ngoài, đưa nghi phạm và tài sản của họ về Trung Quốc ngay cả khi không có hiệp ước dẫn độ, báo South China Morning Post (Hong Kong) ngày 19/3 đưa tin.

Bộ Công an Trung Quốc phát động “Chiến dịch săn cáo” hồi năm 2014 nhằm truy bắt các quan tham đào tẩu. Kể từ đó, hơn 500 quan tham cùng hơn 3 tỷ nhân dân tệ tài sản ở nước ngoài đã được Trung Quốc thu hồi, chính quyền nước này thông báo.

Ngày 17/3, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết, chiến dịch do Cơ quan dẫn độ tội phạm đào tẩu và thu hồi tài sản thực hiện; các thành viên bao gồm quan chức Ủy ban Kiểm tra, ngành kiểm sát, tòa án, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, cơ quan an ninh và tư pháp quốc gia, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.

Một trong những vấn đề lớn nhất của chiến dịch là truy bắt những quan tham bỏ trốn tại Mỹ, Úc và Canada - những nước chưa có hiệp định dẫn độ tội phạm với Trung Quốc. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật cho hay, trong một số trường hợp, họ phải cử cán bộ sang thuyết phục tội phạm ngừng chạy trốn, nhưng cũng có khi phải cung cấp bằng chứng tội phạm cho nước chủ nhà để hồi hương quan tham bỏ trốn về tội cư trú bất hợp pháp. Cơ quan này cũng cung cấp bằng chứng cho các nước chủ nhà có thể khởi tố quan tham theo luật pháp sở tại.


Theo Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, tài sản bất chính của quan tham đào tẩu được đưa về đại lục bằng nhiều cách, từ tăng cường hợp tác pháp luật song phương tới tố tụng dân sự địa phương, bằng luật tịch thu tài sản tội phạm theo luật nước ngoài hoặc của Trung Quốc. Những lựa chọn khác gồm thương lượng với nghi phạm hoặc gia đình để đưa về đại lục.

Báo Anh Financial Times ngày 18/3 đưa tin, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Vương Kỳ Sơn sắp thăm Mỹ. Financial Times dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu như ông Vương thăm Mỹ với tư cách Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, nhiệm vụ chính của ông Vương là tìm kiếm sự trợ giúp của Washington về vấn đề quan tham bỏ trốn. Lâu nay, chính quyền các nước phương Tây vẫn miễn cưỡng giao các quan tham bỏ trốn cho Bắc Kinh do nghi ngại thiếu minh bạch và trình tự pháp lý trong hệ thống tư pháp Trung Quốc. 

Lần đầu tiên, Tòa án Tối cao Trung Quốc cáo buộc Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và một số quan chức tham nhũng khác đã có những hoạt động chính trị “không được đảng cho phép”. Cáo buộc xuất hiện trong báo cáo thường niên của Tòa án Tối cao công bố ngày 18/3, trong phần nói về sự cần thiết phải tăng cường giáo dục việc tuân thủ kỷ luật, tránh tham nhũng trong hệ thống tư pháp. Theo báo cáo, Chu, Bạc và những kẻ khác đã gây ra những tổn hại nghiêm trọng, “chà đạp lên nguyên tắc lãnh đạo bằng luật pháp, hủy hoại sự đoàn kết trong đảng và có những hoạt động chính trị không được đảng cho phép”. 

Theo SCMP
MỚI - NÓNG