Trung Quốc rào đường ở phía Bắc, hàng lậu 'tuồn' vào phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện tuyến biên giới ở các tỉnh phía Bắc, Trung Quốc đã rào chặt các đường mòn, lối mở nên hàng lậu không thể đi qua, mà vòng vào biên giới giáp các tỉnh miền Trung và phía Nam. Những hàng hóa này khó tiêu thụ được tại các thành phố lớn nên phần lớn đổ về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Sáng 8/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Công tác chuẩn bị Tết và bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho biết, các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán cách đây 3 tháng. Hiện nay, các đơn vị đang tích cực tăng lượng hàng về các kho, đảm bảo đủ nguồn cung phục vụ nhu cầu người dân.

Theo bà Hậu, trong dịp Tết, hàng hóa không loại trừ tăng giá, năm nay sức mua yếu hơn mọi năm nên dự kiến các sản phẩm sẽ không tăng giá đột biến, mức tăng dao động trong khoảng 5-10%. Tuy vậy, đối với nhóm hàng thực phẩm thiết yếu và các sản phẩm nông sản, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần chủ động công bố về tình hình sản xuất của các địa phương theo từng tháng để các doanh nghiệp chủ động nắm bắt, có kế hoạch dự trữ nguồn cung tốt hơn.

Trung Quốc rào đường ở phía Bắc, hàng lậu 'tuồn' vào phía Nam ảnh 1

Lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các địa phương, doanh nghiệp tăng tích trữ nguồn cung thực phẩm, không để xảy ra thiếu hàng hóa dịp Tết.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, lo lắng nhất đối với hàng thực phẩm trong dịp Tết là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại các siêu thị lớn có hệ thống có kiểm tra, kiểm soát đối với nhà cung cấp, nhưng tại các khu chợ truyền thống, an toàn thực phẩm dường như đang bỏ ngỏ. Thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra khiến người dân lo lắng, do đó từ nay đến Tết, cơ quan chức năng và các địa phương cần tăng cường kiểm soát.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - cho biết, qua công tác kiểm tra, nắm bắt tình hình hàng hóa dịp Tết Nguyên đán năm nay, tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra rất phức tạp.

Theo ông Linh, hiện tuyến biên giới ở các tỉnh phía Bắc, Trung Quốc đã rào chặt các đường mòn, lối mở nên mấy tháng qua hàng lậu không thể đi qua đường này mà vòng vào biên giới giáp các tỉnh miền Trung và phía Nam.

“Hiện hàng hóa từ miền Trung, miền Nam đổ bộ ra miền Bắc rất lớn. Đặc biệt, mấy ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường phát hiện số lượng lớn đường nhập lậu từ Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… vận chuyển về các địa phương để phục vụ Tết.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cũng phát hiện, triệt phá một kho hàng thực phẩm đông lạnh với quy mô lớn lên tới hơn 90 tấn hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ tại địa bàn huyện Mê Linh", ông Linh nói.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, những hàng hóa này khó tiêu thụ được tại các thành phố lớn nên phần lớn đổ bộ về các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi 60-65% dân số cả nước hiện tập trung ở nông thôn nên nguy cơ người dân sử dụng các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng trong dịp Tết rất lớn.

Trung Quốc rào đường ở phía Bắc, hàng lậu 'tuồn' vào phía Nam ảnh 2

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - phát biểu về tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái dịp Tết.

Ông Linh cũng đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại khi phân phối hàng hóa Tết, cần lựa chọn những mặt hàng chất lượng, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm. Còn với người tiêu dùng nên chọn những thực phẩm có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không ham rẻ mà mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp đã có sự chủ động trong việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Bộ trưởng Diên cũng lưu ý tới mặt hàng thịt lợn để phục vụ nhu cầu người dân trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Không để xảy ra mất điện, thiếu xăng dịp Tết

Tại hội nghị, Bộ trưởng Công Thương đề nghị Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng dự trữ thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán; không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.

MỚI - NÓNG