Ngày 2/12, Tạp chí Hải quan tổ chức tọa đàm “Chung tay chống hàng lậu, hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng” tại TPHCM.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia - cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng 389 trong cả nước đã phát hiện, bắt giữ 96.975 vụ việc vi phạm. Trong đó gồm 12.275 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 82.678 vụ gian lận thương mại, gian lận thuế.
Các đại biểu tham dự tại tọa đàm |
“Dù các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt trong việc phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhưng kết quả chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu chưa có dấu hiệu suy giảm; hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả qua nền tảng thương mại điện tử có xu hướng ngày càng tăng cao ở nhiều địa phương” - ông Tuấn nhìn nhận.
Dưới góc độ cơ quan chuyên trách chống buôn lậu của ngành hải quan, ông Nguyễn Văn Ổn - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - cho biết: “Vấn nạn buôn bán vận chuyển hàng hóa, hàng giả diễn ra rộng khắp các tuyến cửa khẩu, quy mô tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng”.
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng giả, hàng nhái thương hiệu tại chợ An Đông (quận 5, TPHCM) |
Theo ông Ổn, một số đối tượng đặt sản xuất hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài rồi nhập về tiêu thụ trong nước. Tình trạng hàng kém chất lượng, hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ được buôn bán tràn lan trên không gian mạng. Các đối tượng lợi dụng các website, trang mạng xã hội như facebook, zalo... để rao bán, quảng cáo, khuyến mãi nhiều mặt hàng giả mạo, hàng không rõ nguồn gốc.
Tại các địa bàn tỉnh biên giới, đối tượng buôn lậu sử dụng xe ô tô, xe máy, xuồng cao tốc hoặc mang vác, vận chuyển trái phép qua biên giới. Khi bị truy đuổi, đối tượng vứt bỏ lại phương tiện, tang vật chạy trốn, sau đó kích động người dân đến hiện trường chống người thi hành công vụ, tẩu tán hàng hóa. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu thường thuê người, phương tiện để vận chuyển hàng hóa gây khó khăn trong công tác điều tra đối tượng chính chủ mưu, cầm đầu.
Mỹ phẩm giả làm từ "công nghệ xô chậu" vừa phát hiện tại kho hàng ở huyện Bình Chánh, TPHCM |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, 10 tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã khởi tố 35 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 113 vụ. “Từ nay đến Tết 2023, tình hình hàng giả, hàng lậu còn diễn biến phức tạp, vì vậy hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý quyết liệt, triệt để” - ông Thọ nhấn mạnh.
Tổng cục Hải quan cũng thông tin, đã chủ động tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp và trình ban hành kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Ngành hải quan sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, trọng tâm vào các mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao... Đặc biệt là cao điểm chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.